Thời khắc lịch sử của Myanmar

Cuộc tổng tuyển cử ngày 8.11 sẽ quyết định số phận của quá trình chuyển tiếp dân chủ ở Myanmar sau 5 thập niên sống dưới sự cai trị của quân đội.

Chan dung thu lanh doi lap Aung San Suu Kyi

Vào thập niên 1930, khi đất nước được biết với tên Miến Điện (Burma) còn là thuộc địa của Anh quốc, Aung San là sinh viên của Đại học Rangoon danh giá. Cùng với phong trào sinh viên, ông khởi phát các cuộc biểu tình tiên phong chống lại sự cai trị của người Anh. Aung San sau đó bỏ học và gia nhập phong trào chính trị chủ trương đòi độc lập cho đất nước. Kế đến, ông thành lập Quân đội độc lập Miến Điện và chiến đấu cho nền độc lập trong Thế chiến thứ hai.

Sóng gió chính trường

Sau chiến tranh, tướng Aung San ký hiệp ước với Anh vào năm 1947 nhằm đảm bảo cho sự độc lập của Miến Điện trong vòng 1 năm. Chính phủ của ông cũng thương thuyết về một thỏa thuận mang tính cột mốc nhằm đảm bảo quyền lợi của các cộng đồng thiểu số. Nhưng chỉ vài tháng trước khi Miến Điện chính thức độc lập, Aung San cùng 6 thành viên nội các bị ám sát, khi ông mới 32 tuổi.

Vào thời điểm Aung San bị ám sát, Miến Điện ở trong tình cảnh nguy khốn, bộ máy nhà nước gần như không có, kinh tế lụn bại, mọi nhóm sắc tộc thiểu số đều muốn theo đuổi con đường riêng. Và sự tồn tại thống nhất của Miến Điện được ví như một phép lạ. Cái chết của Aung San khiến Miến Điện đối mặt với cuộc khủng hoảng lãnh đạo. Kiến trúc sư của nền độc lập dân tộc đã để lại một khoảng trống lớn mà không ai có thể lấp đầy trong gần 70 năm qua.
Đến năm 1962, tướng Ne Win đảo chính trong nỗ lực tái lập trật tự và Miến Điện từ nền dân chủ yếu ớt chuyển sang chế độ toàn trị. Sau đảo chính, vai trò của Aung San ít nhiều bị khỏa lấp song ông vẫn được tôn vinh như là cha đẻ của nước Miến Điện hiện đại và người thành lập quân đội. Hình ảnh của ông xuất hiện trên đồng tiền Miến Điện, trong sách giáo khoa và tại các công sở. Chỉ có một chi tiết nhỏ bị xóa bỏ, đó là hình ảnh một thủ lĩnh sinh viên đứng dậy chống lại áp bức. Nhưng không phải ai cũng quên điều đó.

Năm 1988, các cuộc biểu tình chống lại chế độ hà khắc nổ ra rầm rộ và nhiều sinh viên giương cao ảnh của Aung San trong các cuộc tuần hành. Chính quyền quân sự thẳng tay đàn áp phong trào sinh viên, giết hại và cầm tù nhiều người. Di sản của Aung San trở thành vấn đề đau đầu với giới tướng lĩnh. Bởi khi đó, con gái của vị anh hùng dân tộc – bà Aung San Suu Kyi xuất hiện như một thủ lĩnh của phong trào đấu tranh chống lại sự đàn áp.

Người hùng Vắng bóng

Khi Aung San bị ám sát, Aung San Suu Kyi mới 2 tuổi. Bà được nuôi nấng ở Ấn Độ trước khi sang Anh học Trường St.Hugh’s thuộc Đại học Oxford, nơi bà gặp người chồng Michael Aris và sinh ra hai người con trai. Aung San Suu Kyi chỉ trở về nước khi mẹ bà bị đột quỵ và bị cuốn vào cuộc nổi dậy năm 1988, khi nhiều người biểu tình bị giết hại và các trường đại học bị đóng cửa. Những thủ lĩnh biểu tình mong muốn có một khuôn mặt biểu tượng cho phong trào đã cầu khẩn người con gái của vị anh hùng dân tộc tham gia và rốt cuộc thuyết phục được bà. Aung San Suu Kyi thành lập Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD) và thu hút nhiều sự ủng hộ, chủ yếu nhờ vào dòng máu của bà.
NLD khiến giới tướng lĩnh choáng váng trong cuộc bầu cử năm 1990, khi giành chiến thắng áp đảo tại đất nước lúc đó đã được đổi tên thành Myanmar. Tuy nhiên, chính quyền quân sự hủy bỏ kết quả và bắt giam các lãnh đạo chủ chốt của NLD. Aung San Suu Kyi đã tuyệt thực khi những đồng chí của bà bị nhốt vào nhà tù Insein khét tiếng. Có lẽ nhờ vào danh tiếng của người cha, Aung San Suu Kyi chỉ bị quản chế thay vì phải vào tù trong phần lớn thời gian của hai thập niên sau đó. Chồng bà và các con thường xuyên bị từ chối cấp thị thực để thăm bà. Vì lo sợ bị cấm trở lại đất nước nếu xuất ngoại, Aung San Suu Kyi bỏ lỡ tang lễ của người chồng Aris năm 1999, khi ông qua đời vì ung thư.

Khi Aung San Suu Kyi bất ngờ nổi lên như thủ lĩnh đối lập, chính quyền quân sự bắt đầu hạn chế sử dụng hình ảnh và trích dẫn phát biểu của cha bà, những tờ tiền in hình khuôn mặt của Aung San cũng dần được thay thế. Tuy nhiên, kể từ năm 2010, giới quân sự bắt đầu tiến trình cải cách và mở cửa, họ bắt đầu đón nhận trở lại di sản của Aung San. Bảo tàng của ông ở Yangon được mở cửa trở lại và khi bà Suu Kyi hội kiến Tổng thống Thein Sein năm 2011, chân dung của Aung San được treo tại vị trí trang trọng ở phía sau.

Tatmadaw – tên gọi của quân đội Myanmar – cũng bắt đầu sử dụng Aung San để quảng bá hình ảnh của họ như là người bảo hộ của đất nước và là lực lượng bảo vệ quá trình chuyển tiếp dân chủ non trẻ. Trong bài diễn văn mừng 70 năm thành lập Tatmadaw vào tháng 3 năm nay, Tổng tư lệnh – thống tướng Min Aung Hlaing kêu gọi quân đội hãy tuân theo những nguyên tắc của Aung San, đặt ý chí của nhân dân lên hàng đầu.

Dĩ nhiên, quân đội không phải là lực lượng duy nhất tận dụng hình ảnh của Aung San. Trước thềm cuộc bầu cử ngày 8.11, con gái của ông – bà Suu Kyi cũng sử dụng hình ảnh cha mình để gây áp lực buộc chính quyền và giới quân sự cải cách thêm nữa. Chính khách 70 tuổi cho rằng bản hiến pháp gây tranh cãi hiện nay không phải là những gì cha bà từng mường tượng về đất nước. Trong bài phát biểu nhân dịp 100 năm ngày sinh của Aung San vào tháng 2 năm nay, bà đã kêu gọi những người ủng hộ xây dựng “một quốc gia dân chủ thực sự” để tôn vinh di sản của ông.

Khoảnh khắc định mệnh

Với bối cảnh như thế, cuộc tổng tuyển cử hôm nay không chỉ quyết định tương lai quá trình chuyển tiếp dân chủ Myanmar mà còn cả viễn cảnh hòa giải dân tộc và chấm dứt cuộc xung đột sắc tộc kéo dài hàng thập niên. Một đất nước Myanmar yên bình nằm ở ngã ba đường giữa Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á có vai trò quan trọng đối với an ninh và liên kết khu vực. Nhưng điều có ý nghĩa hơn đối với thế giới là vai trò của Myanmar như một hình mẫu cho sự chuyển đổi hòa bình từ nền độc tài, vào thời điểm có quá nhiều quá trình chuyển tiếp thất bại trên thế giới.
Mặc dù việc có hai người con trai mang quốc tịch Anh tước mất cơ hội trở thành tổng thống của bà Suu Kyi nếu NLD chiến thắng, nhưng nhiều người Myanmar vẫn xem cuộc bầu cử này như khoảnh khắc định mệnh của bà, một cơ hội để giành lại chiến thắng bị đánh cắp cách đây 25 năm. Hầu hết các nhà phân tích, nhà báo và nhà quan sát đều nhận định NLD sẽ chiến thắng nếu cuộc bầu cử diễn ra công bằng, theo tờ Japan Times. Trong đó, hình ảnh một chính trị gia quyết đoán, một nhà hoạt động kiên cường và là con gái của vị anh hùng dân tộc có thể sẽ góp phần quan trọng.

Tuy nhiên, đất nước Myanmar sẽ cần nhiều hơn một cá tính Aung San Suu Kyi để hiện thực hóa những thay đổi và bà sẽ phải tìm ra cách để đoàn kết một đất nước nhiều rạn nứt, như lời của cha bà từ năm 1946: “Không ai, dù vĩ đại đến đâu, có thể một mình quay bánh xe lịch sử, trừ khi có được sự ủng hộ tích cực và sự hợp tác từ toàn thể nhân dân. Các cá nhân chắc chắn đóng vai trò rực rỡ trong lịch sử nhưng hiển nhiên là lịch sử không chỉ được tạo ra bởi vài cá nhân”.

 

Quân đội cam kết tôn trọng kết quả

Phát biểu trên truyền hình đêm 6.11, Tổng thống Myanmar Thein Sein tuyên bố cả quân đội và chính phủ sẽ chấp nhận kết quả cuộc tổng tuyển cử hôm nay 8.11 và sẽ hợp tác với các đảng đối lập để đảm bảo quá trình chuyển tiếp ổn định.

Theo Reuters, ông Thein Sein, một cựu tướng lĩnh, nói một cuộc bầu cử thành công là bước tiến quan trọng để tiếp nối các cải cách mà ông đề ra sau khi lên nắm quyền với tư cách người đứng đầu chính quyền dân sự trên danh nghĩa vào năm 2011. “Tôi muốn nói lại lần nữa rằng chính phủ và quân đội sẽ tôn trọng và chấp nhận kết quả. Tôi sẽ chấp nhận chính phủ mới được thành lập trên cơ sở kết quả bầu cử”, ông Thein Sein nói.

Chuyên gia phân tích chính trị ở Yangon – Richard Horsey tin tưởng kết quả bầu cử sẽ được tôn trọng ngay cả khi đảng Đoàn kết và Phát triển liên bang (USDP) cầm quyền thất bại bởi quân đội đã tu chính hiến pháp để bảo vệ quyền lực của họ, bao gồm 25% ghế quốc hội, đủ để ngăn cản mọi sự sửa đổi hiến pháp, cũng như quyền bổ nhiệm người đứng đầu 3 bộ quan trọng là Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ và Bộ Các vấn đề biên giới. Tổng cộng có 11.000 quan sát viên trong nước và quốc tế sẽ giám sát 40.000 phòng phiếu trên cả nước, nơi khoảng 30 triệu cử tri sẽ đi bỏ phiếu.

 

Sơn Duân

Theo Thanhnien.com.vn

Visited 1 times, 1 visit(s) today


Vinh Danh THIÊN CHÚA trên trời, 
Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương" (Luca 2:14)

God Bless VIETNAM!






Facebook: https://www.facebook.com/tonytran3000

Youtube videos Tony: https://www.youtube.com/c/TonyTran3000


Binh luan

Leave a Reply

Muốn đăng ý kiến hay tìm bạn mới, ghi vào khung dưới. Email: Viết không có dấu, các chữ Đ thì viết thành chữ D(ví dụ tên Đăng Điền, bạn ghi DangDien). Nếu không có email, bạn ghi số điện thoại, cộng thêm @gmail.com (không có khoãn trống, ví dụ: 092518287@gmail.com). Bấm vào Choose File và chọn hình. Sau đó, bấm Đăng Ý Kiến *

Optionally add an image (JPEG only)