Tag Archive | Tổng thống Myanmar Thein Sein

Bà Aung San Suu Kyi đề nghị đàm phán về hòa giải dân tộc

(TNO) Trong thư gửi Tổng thống Thein Sein, Chủ tịch Hạ viện Shwe Mann và Tổng tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing, bà Aung San Suu Kyi đề nghị tổ chức một cuộc đàm phán về “hòa giải dân tộc” vào tuần sau.

Tong thong Thein Sein va ba Aung San Suu Kyi

The Myanmar Times ngày 11.11 đưa tin, trong lúc Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) đang thắng thế áp đảo tại cuộc tổng tuyển cử , lãnh đạo NLD là bà Aung San Suu Kyi ngày 10.11 đã gửi thư cho Tổng thống Thein Sein, Chủ tịch Hạ viện Shwe Mann và Tổng tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing, đề nghị một cuộc đàm phán vào tuần tới.
Ông Win Htein, một nhân vật cấp cao trong đảng NLD cho biết cuộc gặp sẽ tập trung vào vấn đề hòa giải dân tộc cũng như khoảng thời gian chờ chuyển giao giữa chính phủ cũ và mới. Cụ thể, thời gian mà ông Htein nói tới kéo dài khoảng 5 tháng, từ cuộc bầu cử này đến tháng 3.2016.

Người phát ngôn của Tổng thống Thein Sein, ông Ye Htut viết trên Facebook rằng chính phủ đã chấp nhận lời đề nghị này và sẽ sắp xếp cuộc gặp như đề nghị của bà Suu Kyi sau khi Ủy ban bầu cử liên bang Myanmar hoàn tất việc công bố kết quả.

Chủ tịch Hạ viện Myanmar, ông Shwe Mann đã đăng lá thư của bà Suu Kyi lên Facebook, đồng thời khẳng định cuộc gặp sẽ được sắp xếp vào tuần sau, và các bên sẽ đàm phán các vấn đề trên cơ sở hòa giải dân tộc. Ông Shwe Mann hy vọng đề nghị hợp tác giữa các bên sẽ được chấp thuận vì sự ổn định và phát triển của đất nước.
Phía Tổng tư lệnh quân đội Myanmar vẫn chưa đưa ra hồi đáp nhưng Reuters cho rằng đó mới là nhân vật khó, vì quan hệ giữa tướng Min Aung Hlaing và bà Aung San Suu Kyi được cho là không mấy tốt đẹp.

Chuyên gia phân tích chính trị của Myanmar, ông Than Soe Naing cho rằng lá thư của bà Aung san Suu Kyi cho thấy bà đã sẵn sàng hợp tác với tất cả các lực lượng chính trị ở Myanmar.

Cuộc tổng tuyển cử của Myanmar diễn ra vào ngày 8.11, bầu ra hơn 1.000 đại diện cho quốc hội và nghị viện vùng hoặc bang, trong đó có 498 ghế nghị sĩ quốc hội. Cho tới chiều 11.11, đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi đang áp đảo với 134/149 ghế ở hạ viện và 77/83 ghế ở thượng viện. Với tình hình này, khả năng lớn là NLD sẽ giành chiến thắng và đủ số ghế để thành lập chính phủ.

Dù kết quả vẫn chưa được công bố hết nhưng NLD đã tuyên bố đảng này giành hơn 300/330 ghế ở hạ viện và khoảng 82% ghế tại thượng viện. Bà Aung San Suu Kyi trước đó cũng khẳng định đảng của bà giành hơn 75% số ghế trong quốc hội. Bản thân bà cũng đã trúng cử tại khu vực bầu cử Yangon.

Tổng thống Thein Sein ngày 11.11 chúc mừng chiên thắng của NLD, đồng thời cam kết hỗ trợ cho sự chuyển giao quyền lực ở Myanmar diễn ra một cách hòa bình, sau khi ủy ban bầu cử chính thức tuyên bố NLD chiến thắng.

Ngọc Mai

Theo Thanhnien.com.vn

Người ‘bật đèn xanh’ cho cải cách Myanmar

(TNO) “Chúng tôi không tiến hành cải cách vì đó là mong ước của bản thân. Chúng tôi chỉ đơn giản đáp ứng khát khao được cải cách của nhân dân”, Tổng thống Myanmar, ông Thein Sein trả lời tờ The New York Times năm 2012.

Tong thong Thein Sein trong cuoc bau cu

Buổi sáng chủ nhật 8.11, tại điểm bỏ phiếu đặt trong một trường học ở thủ đô Naypyidaw của Myanmar, Tổng thống Thein Sein (71 tuổi) từ chối trả lời giới truyền thông và lặng lẽ bỏ lá phiếu của mình vào thùng, trong cuộc bầu cử được đánh giá là “lịch sử” tại Myanmar. Thế nhưng, từ rất lâu trước cuộc bầu cử này, ông Thein Sein là nhân vật chính yếu đã “bật đèn xanh” cho những thay đổi của Myanmar.

“Cởi áo lính” thành tổng thống

Tổng thống Thein Sein sinh ngày 20.4.1945, cùng năm sinh với lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi. Không như bà Suu Kyi, con gái của tướng Aung San – người có công lớn trong việc đưa Myanmar từ thuộc địa của Anh trở thành một quốc gia độc lập, Tổng thống Thein Sein tự nhận ông sinh ra trong một gia đình bình thường ở một ngôi làng nhỏ tại đảo Hainggyi, phía tây nam Myanmar, bố mẹ ông đều là nông dân. Trong khi Aung San Suu Kyi sớm theo người mẹ đại sứ đến Ấn Độ, Nepal, sau đó được gửi sang Anh du học, ông Thein Sein lần đầu tiên bước khỏi biên giới Myanmar khi đã ngoài 40 tuổi, trong một chuyến công du đến Singapore và Trung Quốc.

Ông Thein Sein tốt nghiệp học viện quân sự Myanmar vào năm 1968 và thăng tiến nhanh chóng. Những năm 90 của thế kỷ 20, ông trở thành thành viên Hội đồng nhà nước về phát triển và ổn định, tên gọi của chính quyền quân sự lúc đó. Năm 2004, ông trở thành thư ký thứ nhất hội đồng này. Đến năm 2007, ông được bổ nhiệm làm quyền thủ tướng sau khi cựu Thủ tướng Soe Win ngã bệnh, theo đài BBC.

Tong thong Thein Sein bat tay Obama

Vào năm 2010, ông Thein Sein “cởi áo lính”, trở thành chủ tịch đảng Đoàn kết Thống nhất và Phát triển (USDP) vừa thành lập, tiền thân là Hiệp hội Đoàn kết và Phát triển Liên hiệp – tổ chức do chính quyền quân sự thành lập. USDP giành quyền kiểm soát quốc hội sau cuộc bầu cử năm 2011, và ông Thein Sein trở thành tổng thống Myanmar. Dư luận khi đó cho rằng việc bổ nhiệm ông Thein Sein hoàn toàn là sự sắp đặt của chính quyền quân sự, đứng đầu là Thống chế Than Shwe. Dù vậy, việc bổ nhiệm tổng thống cũng đánh dấu bước chuyển giao quyền lực từ giới quân sự sang một chính phủ dân sự.

Cải cách

Di sản ông Thein Sein nhận được từ chính quyền quân sự là một nền kinh tế bị tình trạng tham nhũng và độc quyền “ăn sâu” vào từng lĩnh vực, theo bình luận trên tờ The Irrawaddy (tạp chí của một nhóm người Myanmar lưu vong ở Thái Lan). Điển hình, thế độc quyền của doanh nghiệp viễn thông nhà nước có lúc đẩy giá SIM điện thoại lên tương đương 1.500 USD/SIM. Khi các tập đoàn viễn thông nước ngoài được phép đầu tư vào Myanmar, điện thoại di động trở nên phổ biến hơn bao giờ hết trong khi giá SIM điện thoại ngay lập tức giảm xuống còn… 1,5 USD. Dưới thời ông Thein Sein, các ngành kinh tế chính như viễn thông, nhập khẩu xe hơi, tài chính và chế tạo máy đã được cải tổ.

Bao chi tu nhan hoat dong tai Myanmar

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đầu năm 2015 dự đoán mức tăng trưởng GDP của Myanmar trong năm tài khóa tiếp theo sẽ vào khoảng 8% do “được khuyến khích bởi các cuộc cải cách đang diễn ra, môi trường kinh doanh được cải thiện và sự hội nhập Đông Nam Á”, Phó giám đốc ADB tại Myanmar, ông Peter Brimble nhận xét.
Về mặt chính trị, Tổng thống Thein Sein từng bước hòa giải với những người đối lập, trong đó có bà Aung San Suu Kyi, người được trả tự do năm 2010. Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, ông Thein Sein thừa nhận bản chất “độc đoán” của chính quyền quân sự và chúc mừng bà Suu Kyi vì “vinh dự bà nhận được tại đất nước này, sự công nhận những nỗ lực vì dân chủ của bà”, theo tờ Time (Mỹ). Cuộc bầu cử phụ năm 2012 tại Myanmar để chọn ra hơn 40 ghế còn trống trong quốc hội được đánh giá tương đối công bằng, các nước phương Tây bắt đầu gỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Myanmar. Năm 2013, chính phủ Myanmar cho phép báo chí tư nhân được hoạt động trở lại, lệnh cấm tụ tập trên 5 người được bãi bỏ…

“Tôi và Gorbachev không giống nhau”

“Chúng tôi không tiến hành cải cách vì đó là mong ước của bản thân. Chúng tôi chỉ đơn giản đáp ứng khát khao được cải cách của người dân”, ông Thein Sein trả lời tờ The New York Times năm 2012.

Rất lâu trước khi lên nắm quyền tại Myanmar, ông Thein Sein được đánh giá là một vị tướng “trong sạch”, nhưng im lặng và nhạt nhòa. Sau này, một cựu cố vấn và từng là người viết các bài phát biểu cho Tổng thống Thein Sein đã miêu tả ông là người “không tham vọng, không quyết đoán, không thu hút, nhưng rất ngay thẳng”, theo The New York Times.

Khi được hỏi liệu có e ngại việc bị “cuốn trôi” bởi chính “làn sóng” cải cách mà chính ông tạo ra hay không, tương tự nhà lãnh đạo Mikhail Gorbachev sau sự sụp đổ của Liên Xô, Tổng thống Thein Sein nói ngắn gọn: “Tôi và Gorbachev không giống nhau”.

Song song với đó, Thein Sein cũng nêu rất rõ quan điểm rằng quân đội sẽ luôn nắm giữ vai trò quan trọng đối với đất nước Myanmar. Ông cũng không xin lỗi về những hành động trong quá khứ, như việc bỏ tù các nhà hoạt động và nhà bất đồng chính kiến, theo BBC.

“Họ hành động theo niềm tin của họ và chúng tôi có niềm tin của mình. Tất cả mọi người đều hành động vì đất nước, theo những cách riêng”, ông nói.

Bị cáo buộc vi phạm nhân quyền, hạn chế tự do báo chíMặc cho nhiều ca ngợi từ truyền thông phương Tây, nhiều nhà chỉ trích vẫn không quên “quá khứ” của Tổng thống Thein Sein. Năm 2007, ông Thein Sein là người giữ quyền thủ tướng khi một cuộc nổi dậy của các nhà sư bị đàn áp trong bạo lực.

Năm 2012, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) ra thông cáo cáo buộc giới chức bang Arakan, các lãnh đạo cộng đồng, tu sĩ Phật giáo đã tổ chức, khuyến khích những người Arkan thiểu số, có sự hậu thuẫn của lực lượng an ninh nhà nước, tấn công những người Hồi giáo sống gần đó, buộc những người này phải rời bỏ nhà cửa. HRW cáo buộc chính quyền Myanmar “can dự vào tội ác diệt chủng đối với người Rohingya Hồi giáo và tiếp tục đến ngày nay thông qua việc từ chối trợ giúp và giới hạn đi lại”. Khoảng 1 triệu người Rohingya Hồi giáo không có quyền bỏ phiếu trong cuộc bầu cử vừa qua.

Đầu năm 2014, một số tờ báo tại Myanmar đã in trang nhất màu đen, phản đối việc bắt giam và bỏ tù nhà báo, theo BBC.

Hà Chi

Theo Thanhnien.com.vn

Cuộc triệt thoái của Thein Sein

Lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi có thể là gương mặt đại diện cho thay đổi ở Myanmar, nhưng Tổng thống Thein Sein mới là người hùng thực sự của tiến trình cải cách.

Tong thong Thein Sein

Trong binh pháp, triệt thoái trước đà tấn công của kẻ địch luôn là tình thế khó khăn nhất trong mọi chiến dịch quân sự. Với hơn 40 năm binh nghiệp, Tổng thống Myanmar Thein Sein hẳn thấu hiểu điều đó. Và ông đã chỉ huy thành công, ít nhất cho đến lúc này, cuộc triệt thoái về chính trị trong trật tự của quân đội Myanmar, lực lượng nắm quyền kiểm soát đất nước trong hơn 5 thập niên qua.

Viên tướng bình dị

Không có nhiều thông tin chi tiết về cuộc đời của Tổng thống Thein Sein, ngoại trừ vài bài báo của các tờ báo Mỹ The New York Times, Time hoặc tờ The Irrawaddy của những người Myanmar ở hải ngoại đăng rải rác trong vài năm qua. Các thông tin này đều cho biết Thein Sein sinh năm 1945 trong một gia đình nông dân nghèo ở đồng bằng sông Irrawaddy. Trong bài viết năm 2013, tờ Time cho biết Thein Sein không đủ tiền để học đại học nhưng ông may mắn vượt qua kỳ thi tuyển sinh của Học viện Quân sự vào năm 1965, mở ra cuộc đời binh nghiệp kéo dài 45 năm và chỉ kết thúc khi ông giải ngũ với cấp hàm đại tướng để đảm nhiệm chức vụ tổng thống vào tháng 3.2011.

Lý do tại sao Thein Sein từ một cánh tay phải của thống tướng Than Shwe lại trở thành người cổ vũ cho thay đổi dân chủ cũng như tại sao ông được giới quân sự ủy thác làm thế vẫn còn là điều bí ẩn. Tuy nhiên, ngược trở về quá khứ của ông, người ta có thể tìm thấy vài chi tiết nói lên tính cách của nhà lãnh đạo này. Theo tờ Time, sau khi chính quyền quân sự mạnh tay trấn áp phong trào nổi dậy năm 1988, thời điểm bà Aung San Suu Kyi nổi lên như một thủ lĩnh đối lập, nhiều sinh viên và nhà sư đã phải bỏ chạy ra nước ngoài. Lúc đó ông Thein Sein là một thiếu tá và trong khi các chỉ huy khác tống giam những người bị họ bắt được, thì vị tổng thống tương lai của Myanmar lặng lẽ thả một số người. “Thein Sein là một người bình dị và là một người tốt”, cựu Tư lệnh hải quân Myanmar Soe Thane, hiện là một bộ trưởng trong chính quyền Thein Sein, nói với tờ Time.

Thời thế đổi thay

Theo BBC, Thein Sein gia nhập hàng ngũ lãnh đạo cấp cao vào thập niên 1990, khi trở thành thành viên Hội đồng Hòa bình và phát triển quốc gia, cơ quan lãnh đạo tối cao ở Myanmar thời bấy giờ. Ông trở thành bí thư thứ nhất của hội đồng sau khi tướng tình báo Khin Nyunt bị thanh trừng vì tham nhũng năm 2004.

Phải đến hơn 40 tuổi Thein Sein mới lần đầu tiên ra nước ngoài. Thời điểm đó, đất nước từng là nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới tụt hậu xa so với các nền kinh tế mới nổi ở châu Á. Tình trạng bấp bênh của quốc gia trở nên bi thảm hơn vào năm 2008 khi cơn bão Nargis tàn phá đất nước trong thảm họa chết chóc nhất lịch sử Myanmar, khiến 130.000 người thiệt mạng. Trong những ngày đầu, chính quyền quân sự khước từ viện trợ của nước ngoài vì lo ngại sức ảnh hưởng của ý thức hệ ngoại quốc đi kèm với hàng viện trợ. Lúc đó, Thein Sein là viên tướng đầu tiên của chính quyền quân sự thị sát vùng thảm họa. Nay Win Maung, một cố vấn chính phủ, kể lại với tờ Time năm 2011: “Thein Sein đi đến gặp thống tướng (Than Shwe) và nói: Hãy làm ơn, chúng ta phải giúp nhân dân của mình”.

Một cuộc khủng hoảng nhân đạo được ngăn chặn khi hàng hóa cứu trợ ở trong và ngoài nước bắt đầu được gửi đến vùng sâu vùng xa. Đó cũng là khi những viên tướng Myanmar cảm thấy thời thế đổi thay và Thein Sein nhận thấy những hạn chế của chế độ hiện thời. Thống tướng Than Shwe bắt đầu lo ngại về di sản của mình, sợ rằng ông phải chịu chung số phận bị thanh trừng khi về hưu như những lãnh đạo quân sự tiền nhiệm. “Thống tướng không muốn trải qua những năm cuối của cuộc đời dưới lệnh quản thúc. Ông ấy tin tưởng Thein Sein sẽ giữ lời hứa để cho ông rút lui một cách tươm tất”, một phụ tá của Thein Sein nói với tờ Time.

Làn gió hy vọng

Những cải cách dưới thời Thein Sein còn lâu mới hoàn hảo nhưng ít nhất chúng đặt nền móng cho tiến trình dân chủ ở Myanmar, bao gồm phóng thích hàng trăm tù nhân chính trị, ban hành luật lao động mới cho phép đình công và thành lập công đoàn, nới lỏng kiểm duyệt báo chí, cải cách hệ thống tỷ giá hối đoái… Trong đó, việc hủy bỏ lệnh quản chế bà Aung San Kuu Kyi và đối thoại với phe đối lập là một nỗ lực đột phá của chính quyền Thein Sein, giúp dỡ bỏ một phần các lệnh trừng phạt áp đặt lên đất nước.

Đặc biệt, Thein Sein đã lắng nghe nguyện vọng của nhân dân, với quyết định bất ngờ về việc đình chỉ xây đập Myitsone, một dự án liên doanh với Trung Quốc, vì những lo ngại về tác động nghiêm trọng đối với hạ nguồn sông Irrawaddy. Quyết định được đưa ra vào tháng 6.2011 khiến Bắc Kinh choáng váng bởi đó là lần đầu tiên chính quyền Myanmar mạnh dạn nói không với Trung Quốc, nước từ lâu là một đồng minh và nhà tài trợ không thể thiếu. Nó cũng đánh dấu quá trình chuyển trọng tâm quan hệ từ Trung Quốc sang phương Tây.

Mặc dù tiến trình cải cách hứa hẹn tước bớt quyền lực của giới quân sự, nhưng chính quyền của Thein Sein đã không đảo ngược nó, như những gì đang diễn ra sau cuộc bầu cử ngày 8.11. Kết quả thất bại hẳn nhiên không nằm ngoài dự đoán của giới quân sự. Vì thế, sự can đảm của Thein Sein và quân đội Myanmar trong việc chấp nhận mất đi quyền lực đáng được ghi nhận. Đó là dũng khí của người cầm quân dám đưa ra quyết định triệt thoái khi con đường phía trước chỉ hứa hẹn toàn đau khổ, bất công và tụt hậu cho nhân dân.

Và nếu như cuộc bầu cử Myanmar được ví như khoảnh khắc Nelson Mandela của Aung San Suu Kyi, thì chắc chắn Thein Sein sẽ chiếm vị trí lịch sử ngang hàng với F.W.de Klerk, vị tổng thống mở đầu cho sự kết thúc của chế độ Apartheid ở Nam Phi.

Bà Aung San Suu Kyi kêu gọi đối thoạiTheo AFP, lãnh đạo đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) đối lập Aung San Suu Kyi hôm qua 11.11 đã gửi thư ngỏ cho Tổng thống Thein Sein, Tổng tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing và Chủ tịch Hạ viện Shwe Mann kêu gọi đối thoại hòa giải dân tộc vào tuần tới. “Thực thi một cách hòa bình và ổn định ý chí của nhân dân, như được thể hiện trong cuộc bầu cử ngày 8.11, là điều sống còn đối với phẩm giá quốc gia”, bà Suu Kyi viết. Bộ trưởng Thông tin Ye Htut cho hay ông Thein Sein đã đồng ý đối thoại và cuộc gặp gỡ sẽ được tiến hành sau khi kết quả chính thức được công bố. Tính đến hôm qua 11.11, NLD đã giành được 163 ghế trong tổng số 182 ghế được công bố ở hạ viện và thượng viện, bao gồm cả ghế nghị sĩ của bà Suu Kyi.

Sơn Duân

Theo Thanhnien.com.vn

Thời khắc lịch sử của Myanmar

Cuộc tổng tuyển cử ngày 8.11 sẽ quyết định số phận của quá trình chuyển tiếp dân chủ ở Myanmar sau 5 thập niên sống dưới sự cai trị của quân đội.

Chan dung thu lanh doi lap Aung San Suu Kyi

Vào thập niên 1930, khi đất nước được biết với tên Miến Điện (Burma) còn là thuộc địa của Anh quốc, Aung San là sinh viên của Đại học Rangoon danh giá. Cùng với phong trào sinh viên, ông khởi phát các cuộc biểu tình tiên phong chống lại sự cai trị của người Anh. Aung San sau đó bỏ học và gia nhập phong trào chính trị chủ trương đòi độc lập cho đất nước. Kế đến, ông thành lập Quân đội độc lập Miến Điện và chiến đấu cho nền độc lập trong Thế chiến thứ hai.

Sóng gió chính trường

Sau chiến tranh, tướng Aung San ký hiệp ước với Anh vào năm 1947 nhằm đảm bảo cho sự độc lập của Miến Điện trong vòng 1 năm. Chính phủ của ông cũng thương thuyết về một thỏa thuận mang tính cột mốc nhằm đảm bảo quyền lợi của các cộng đồng thiểu số. Nhưng chỉ vài tháng trước khi Miến Điện chính thức độc lập, Aung San cùng 6 thành viên nội các bị ám sát, khi ông mới 32 tuổi.

Vào thời điểm Aung San bị ám sát, Miến Điện ở trong tình cảnh nguy khốn, bộ máy nhà nước gần như không có, kinh tế lụn bại, mọi nhóm sắc tộc thiểu số đều muốn theo đuổi con đường riêng. Và sự tồn tại thống nhất của Miến Điện được ví như một phép lạ. Cái chết của Aung San khiến Miến Điện đối mặt với cuộc khủng hoảng lãnh đạo. Kiến trúc sư của nền độc lập dân tộc đã để lại một khoảng trống lớn mà không ai có thể lấp đầy trong gần 70 năm qua.
Đến năm 1962, tướng Ne Win đảo chính trong nỗ lực tái lập trật tự và Miến Điện từ nền dân chủ yếu ớt chuyển sang chế độ toàn trị. Sau đảo chính, vai trò của Aung San ít nhiều bị khỏa lấp song ông vẫn được tôn vinh như là cha đẻ của nước Miến Điện hiện đại và người thành lập quân đội. Hình ảnh của ông xuất hiện trên đồng tiền Miến Điện, trong sách giáo khoa và tại các công sở. Chỉ có một chi tiết nhỏ bị xóa bỏ, đó là hình ảnh một thủ lĩnh sinh viên đứng dậy chống lại áp bức. Nhưng không phải ai cũng quên điều đó.

Năm 1988, các cuộc biểu tình chống lại chế độ hà khắc nổ ra rầm rộ và nhiều sinh viên giương cao ảnh của Aung San trong các cuộc tuần hành. Chính quyền quân sự thẳng tay đàn áp phong trào sinh viên, giết hại và cầm tù nhiều người. Di sản của Aung San trở thành vấn đề đau đầu với giới tướng lĩnh. Bởi khi đó, con gái của vị anh hùng dân tộc – bà Aung San Suu Kyi xuất hiện như một thủ lĩnh của phong trào đấu tranh chống lại sự đàn áp.

Người hùng Vắng bóng

Khi Aung San bị ám sát, Aung San Suu Kyi mới 2 tuổi. Bà được nuôi nấng ở Ấn Độ trước khi sang Anh học Trường St.Hugh’s thuộc Đại học Oxford, nơi bà gặp người chồng Michael Aris và sinh ra hai người con trai. Aung San Suu Kyi chỉ trở về nước khi mẹ bà bị đột quỵ và bị cuốn vào cuộc nổi dậy năm 1988, khi nhiều người biểu tình bị giết hại và các trường đại học bị đóng cửa. Những thủ lĩnh biểu tình mong muốn có một khuôn mặt biểu tượng cho phong trào đã cầu khẩn người con gái của vị anh hùng dân tộc tham gia và rốt cuộc thuyết phục được bà. Aung San Suu Kyi thành lập Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD) và thu hút nhiều sự ủng hộ, chủ yếu nhờ vào dòng máu của bà.
NLD khiến giới tướng lĩnh choáng váng trong cuộc bầu cử năm 1990, khi giành chiến thắng áp đảo tại đất nước lúc đó đã được đổi tên thành Myanmar. Tuy nhiên, chính quyền quân sự hủy bỏ kết quả và bắt giam các lãnh đạo chủ chốt của NLD. Aung San Suu Kyi đã tuyệt thực khi những đồng chí của bà bị nhốt vào nhà tù Insein khét tiếng. Có lẽ nhờ vào danh tiếng của người cha, Aung San Suu Kyi chỉ bị quản chế thay vì phải vào tù trong phần lớn thời gian của hai thập niên sau đó. Chồng bà và các con thường xuyên bị từ chối cấp thị thực để thăm bà. Vì lo sợ bị cấm trở lại đất nước nếu xuất ngoại, Aung San Suu Kyi bỏ lỡ tang lễ của người chồng Aris năm 1999, khi ông qua đời vì ung thư.

Khi Aung San Suu Kyi bất ngờ nổi lên như thủ lĩnh đối lập, chính quyền quân sự bắt đầu hạn chế sử dụng hình ảnh và trích dẫn phát biểu của cha bà, những tờ tiền in hình khuôn mặt của Aung San cũng dần được thay thế. Tuy nhiên, kể từ năm 2010, giới quân sự bắt đầu tiến trình cải cách và mở cửa, họ bắt đầu đón nhận trở lại di sản của Aung San. Bảo tàng của ông ở Yangon được mở cửa trở lại và khi bà Suu Kyi hội kiến Tổng thống Thein Sein năm 2011, chân dung của Aung San được treo tại vị trí trang trọng ở phía sau.

Tatmadaw – tên gọi của quân đội Myanmar – cũng bắt đầu sử dụng Aung San để quảng bá hình ảnh của họ như là người bảo hộ của đất nước và là lực lượng bảo vệ quá trình chuyển tiếp dân chủ non trẻ. Trong bài diễn văn mừng 70 năm thành lập Tatmadaw vào tháng 3 năm nay, Tổng tư lệnh – thống tướng Min Aung Hlaing kêu gọi quân đội hãy tuân theo những nguyên tắc của Aung San, đặt ý chí của nhân dân lên hàng đầu.

Dĩ nhiên, quân đội không phải là lực lượng duy nhất tận dụng hình ảnh của Aung San. Trước thềm cuộc bầu cử ngày 8.11, con gái của ông – bà Suu Kyi cũng sử dụng hình ảnh cha mình để gây áp lực buộc chính quyền và giới quân sự cải cách thêm nữa. Chính khách 70 tuổi cho rằng bản hiến pháp gây tranh cãi hiện nay không phải là những gì cha bà từng mường tượng về đất nước. Trong bài phát biểu nhân dịp 100 năm ngày sinh của Aung San vào tháng 2 năm nay, bà đã kêu gọi những người ủng hộ xây dựng “một quốc gia dân chủ thực sự” để tôn vinh di sản của ông.

Khoảnh khắc định mệnh

Với bối cảnh như thế, cuộc tổng tuyển cử hôm nay không chỉ quyết định tương lai quá trình chuyển tiếp dân chủ Myanmar mà còn cả viễn cảnh hòa giải dân tộc và chấm dứt cuộc xung đột sắc tộc kéo dài hàng thập niên. Một đất nước Myanmar yên bình nằm ở ngã ba đường giữa Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á có vai trò quan trọng đối với an ninh và liên kết khu vực. Nhưng điều có ý nghĩa hơn đối với thế giới là vai trò của Myanmar như một hình mẫu cho sự chuyển đổi hòa bình từ nền độc tài, vào thời điểm có quá nhiều quá trình chuyển tiếp thất bại trên thế giới.
Mặc dù việc có hai người con trai mang quốc tịch Anh tước mất cơ hội trở thành tổng thống của bà Suu Kyi nếu NLD chiến thắng, nhưng nhiều người Myanmar vẫn xem cuộc bầu cử này như khoảnh khắc định mệnh của bà, một cơ hội để giành lại chiến thắng bị đánh cắp cách đây 25 năm. Hầu hết các nhà phân tích, nhà báo và nhà quan sát đều nhận định NLD sẽ chiến thắng nếu cuộc bầu cử diễn ra công bằng, theo tờ Japan Times. Trong đó, hình ảnh một chính trị gia quyết đoán, một nhà hoạt động kiên cường và là con gái của vị anh hùng dân tộc có thể sẽ góp phần quan trọng.

Tuy nhiên, đất nước Myanmar sẽ cần nhiều hơn một cá tính Aung San Suu Kyi để hiện thực hóa những thay đổi và bà sẽ phải tìm ra cách để đoàn kết một đất nước nhiều rạn nứt, như lời của cha bà từ năm 1946: “Không ai, dù vĩ đại đến đâu, có thể một mình quay bánh xe lịch sử, trừ khi có được sự ủng hộ tích cực và sự hợp tác từ toàn thể nhân dân. Các cá nhân chắc chắn đóng vai trò rực rỡ trong lịch sử nhưng hiển nhiên là lịch sử không chỉ được tạo ra bởi vài cá nhân”.

 

Quân đội cam kết tôn trọng kết quả

Phát biểu trên truyền hình đêm 6.11, Tổng thống Myanmar Thein Sein tuyên bố cả quân đội và chính phủ sẽ chấp nhận kết quả cuộc tổng tuyển cử hôm nay 8.11 và sẽ hợp tác với các đảng đối lập để đảm bảo quá trình chuyển tiếp ổn định.

Theo Reuters, ông Thein Sein, một cựu tướng lĩnh, nói một cuộc bầu cử thành công là bước tiến quan trọng để tiếp nối các cải cách mà ông đề ra sau khi lên nắm quyền với tư cách người đứng đầu chính quyền dân sự trên danh nghĩa vào năm 2011. “Tôi muốn nói lại lần nữa rằng chính phủ và quân đội sẽ tôn trọng và chấp nhận kết quả. Tôi sẽ chấp nhận chính phủ mới được thành lập trên cơ sở kết quả bầu cử”, ông Thein Sein nói.

Chuyên gia phân tích chính trị ở Yangon – Richard Horsey tin tưởng kết quả bầu cử sẽ được tôn trọng ngay cả khi đảng Đoàn kết và Phát triển liên bang (USDP) cầm quyền thất bại bởi quân đội đã tu chính hiến pháp để bảo vệ quyền lực của họ, bao gồm 25% ghế quốc hội, đủ để ngăn cản mọi sự sửa đổi hiến pháp, cũng như quyền bổ nhiệm người đứng đầu 3 bộ quan trọng là Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ và Bộ Các vấn đề biên giới. Tổng cộng có 11.000 quan sát viên trong nước và quốc tế sẽ giám sát 40.000 phòng phiếu trên cả nước, nơi khoảng 30 triệu cử tri sẽ đi bỏ phiếu.

 

Sơn Duân

Theo Thanhnien.com.vn