Tag Archive | lay chong dai han

Lấy Chồng Hàn Quốc Sướng Hay Khổ

“Sau một tháng ‘xuất ngoại’, một đêm tỉnh dậy, mình hết hồn khi thấy đầu chồng trọc lốc. Hóa ra, khi sang tìm vợ anh ta đã đội tóc giả mà mình và gia đình không biết”, chị Liên kể về kỷ niệm khó quên những ngày xa xứ.

Chị Liên là một trong số 34 cô dâu Việt Nam lấy chồng và sinh sống tại Hàn Quốc được trở về thăm quê hương từ 24/9 đến 2/10 năm nay, trong khuôn khổ chương trình do Quỹ Phụ nữ Hàn Quốc tổ chức. Đây là lần thứ 4 đoàn cô dâu Việt Nam về thăm quê kể từ lần đầu được tổ chức vào năm 2007.

Cô gái 28 tuổi, quê Thủy Nguyên, Hải Phòng cho biết, chị cưới cuối năm 2006 và bay sang Hàn Quốc đầu năm 2007. Là con gái đầu lòng trong một gia đình có 4 con nghèo khó, chị từng mong ra nước ngoài sẽ có điều kiện đỡ đần bố mẹ được phần nào. “Thế mà từ lúc đi tới giờ chưa bao giờ gửi được một đồng nào về. Hôm cậu em trai cưới mình cũng không có quà gì, bảo chồng gọi điện anh ấy cũng không chịu. Mình vừa gọi điện xin lỗi bố mẹ vừa nuốt nước mắt”, chị thổ lộ.

Chồng chị Liên là người đàn ông 48 tuổi, dáng nhỏ bé, nước da ngăm đen. Anh là công nhân in hộp giấy. Trước đây, đồng lương của anh cũng đủ cho gia đình chi tiêu, nhưng từ khi anh phải làm phẫu thuật trồng răng giả và cấy tóc, chi phí tốn kém, thì kinh tế gia đình trở nên eo hẹp.

Theo chồng về nước, chị mới biết, cuộc sống ở nhà anh còn cơ cực gấp nhiều lần gia đình mình. Bố anh mất sớm, mẹ làm nông nghiệp. Sau đám cưới, Liên phải cùng mẹ chồng cuốc đất, cấy lúa, trồng đào. Làm việc quá vất vả khiến lần đầu mang thai chị bị băng huyết. Sau khi sinh lần thứ hai, mẹ chồng đã bắt chị cắt dạ con vì không có tiền để nuôi thêm đứa trẻ nữa.

Đôi vợ chồng Việt – Hàn cùng cậu con trai nhỏ trong niềm vui trở về quê ngoại lần đầu tiên. Ảnh: Minh Thùy.

Hiện tại, hai vợ chồng chị từ Chơn Chu đã chuyển lên Chơn Uop, thuê một căn nhà nhỏ ở riêng. Kinh tế eo hẹp, chị Liên đã gửi con đi nhà trẻ rồi tìm việc rửa bát thuê cho một nhà hàng gần nhà, kiếm mỗi tháng ít tiền. “Em biết cảnh mình nên cũng hà tiện lắm, chả bao giờ dám dùng mỹ phẩm gì, dù bên đó phụ nữ ai cũng làm đẹp”, chị nói.

Sang Hàn Quốc vài năm nhưng vốn tiếng Hàn của chị khá ít ỏi. “Lúc mình sang đúng vụ trồng thuốc lào nên không có thời gian học, sau đó thì đẻ liền tù tì hai đứa con nên cô giáo có đến dạy cũng chỉ biết viết lại, mình dán lên rồi thỉnh thoảng ngó qua”, chị kể.

Nói về những ngày vừa về lại quê nhà, người mẹ trẻ rưng rưng nước mắt. Lúc nhìn thấy con, bố mẹ chị vui mừng bao nhiêu, lúc chị rời đi, cả nhà lại nước mắt như mưa vì không biết ngày nào mới được gặp lại. Chị thương đứa em gái tật nguyền chẳng có tiền chữa trị, vẫn mỏi mòn đợi chờ mà chị chẳng giúp được gì.

“Có mấy người quen nhờ em mai mối để sang bên đó lấy chồng, nhưng em không dám nhận. Em đã khổ lắm rồi, không muốn ai giống em nữa”, chị nghẹn ngào.

Khi được hỏi “Nếu khổ vậy, chị có bao giờ nghĩ đến việc tự giải thoát cho mình”, Liên cười buồn: “Xấu hay tốt thì cũng là chồng mình rồi. Những nỗi khổ của em, em chỉ muốn đậy thật kín lại thôi. Em không bao giờ trở về. Có gì em cũng chịu được hết”.

Một cô dâu Việt bày tỏ sự thích thú khi bế con xem các gia đình bạn tham gia một trò chơi. Ảnh: Minh Thùy.

Về nước lần này cùng chị Liên có 33 cô dâu khác, trong đó có 20 cô dâu ở miền Nam, còn lại là ở miền Bắc. Mỗi người trong số họ có cuộc sống khác nhau, người vui, kẻ buồn, nhưng ai cũng mong ngóng ngày trở về thăm người thân.

Chị Liễu là cô gái miền quan họ Bắc Ninh, có dáng vẻ bề ngoài khá giống phụ nữ Hàn Quốc, với đôi mắt một mí, dáng người cao, mảnh. Suốt buổi giao lưu giữa các gia đình vợ Việt, chồng Hàn được tổ chức tại Grand Plaza (Hà Nội) ngày cuối tuần qua, chị Liễu hầu như không tham gia nhiều vào các trò chơi, mà chủ yếu trông chừng, chơi đùa với 3 đứa con, đứa lớn nhất 6 tuổi, bé nhỏ nhất hơn 2 tuổi.

Khi có người hỏi chuyện, chị lảng đi, nói bằng giọng lơ lớ như người nước ngoài mới học tiếng Việt: “Quên hết tiếng rồi, sao mà nói gì được”. Chị cho biết, vợ chồng chị đều là công nhân, lương thấp. Cả 3 đứa con của chị cũng không biết nói tiếng Việt vì “mẹ làm gì có thời gian mà dạy”.

Trong lúc mọi người đang hò reo theo một trò chơi tập thể, Bùi Thị Vui (Kiến Thụy, Hải Phòng) ngồi nựng nịu cô con gái gần 2 tuổi. Hỏi chồng đâu, Vui chỉ ra góc sảnh rộng, nơi một người đàn ông to béo đang ngồi bệt, ôm bụng, mệt mỏi. Vui nói: “Anh ấy yếu lắm, đang mệt quá nên ra đó ngồi nghỉ”.

Cô gái 22 tuổi này có dáng người nhỏ nhắn, gương mặt hiền lành, sang Hàn từ năm 2008. Chồng Vui bị dị tật bẩm sinh ở bụng và chân nên không thể đi làm hay giúp vợ nhiều việc. Hiện tại cả gia đình cô sống nhờ khoản tiền trợ cấp cho người tàn tật từ nhà nước. “Kinh tế khó khăn nên mình đang cố gắng học giỏi tiếng Hàn để xin đi làm phiên dịch, kiếm thêm chút tiền lo cho gia đình”, Vui nói.

Vui cũng cho biết dù khá vất vả trong việc chăm sóc chồng, con, lo nội trợ, nhưng cô vẫn thoải mái vì ông xã khá cởi mở, lại chiều vợ, tất cả những dịp đơn vị hỗ trợ phụ nữ Việt ở Hàn tổ chức đi chơi, hội họp, anh đều động viên vợ tham gia vì sợ cô ở nhà suốt ngày sẽ buồn.

Còn anh Cha Ky Yong, chồng Vui, 35 tuổi, ở tỉnh DeKu (Hàn Quốc) vừa thở dốc vừa tâm sự, anh cũng mừng vì thấy vợ rất vui mấy hôm được ở bên bố mẹ, người thân. “Nếu có điều kiện sau này mình cũng cho vợ về lần nữa, nhưng chưa biết có lo được không”, anh nói.

Nhớ lại gần 4 năm trước tới Việt Nam tìm vợ, hôm đó, anh được công ty môi giới dẫn đến xem mặt rất nhiều phụ nữ, mỗi người được đánh theo số thứ tự. “Tôi ưng Vui vì biết cô ấy lớn lên trong một gia đình nghèo khó. Tôi cần một người vợ biết chịu cơ cực. Các cô gái Hàn Quốc thì rất xa xỉ. Họ trang điểm, ăn xài… tốn kém lắm”, anh Cha kể lại.

Nhìn cô con gái đang khóc to trên tay mẹ vì mệt và sợ trước đông người lạ, ánh mắt anh Cha lộ vẻ lo lắng, xót xa. Anh thổ lộ thêm: “Suốt mấy năm qua, Vui đã chăm lo cho bố mẹ tôi, nuôi dưỡng em trai tôi và sinh cho tôi một cô con gái kháu khỉnh. Tôi rất hài lòng và biết sự lựa chọn của mình có ý nghĩa”.

Theo bà Cho Hyoung, chủ tịch Quỹ Phụ nữ Hàn Quốc, chương trình hỗ trợ phụ nữ di trú về thăm quê hương không chỉ đem lại niềm vui cho các cô dâu Việt khi gặp lại người thân mà còn giúp các chú rể và những đứa con hiểu hơn về hoàn cảnh, nơi sinh của vợ, mẹ mình. Tính từ năm 2007 đến năm nay, chương trình đã đưa tổng cộng 567 người thuộc 157 gia đình phụ nữ di trú về thăm quê.

Cũng tại cuộc hội ngộ tương tự vào năm ngoái, Đại sứ Hàn Quốc Park Suk Hwan cho biết, hiện Hàn Quốc có khoảng 40.000 cô dâu người Việt, và những người này được coi là “máu thịt” của dân tộc Hàn vì đã sinh ra các thế hệ tương lai cho Hàn Quốc nên chính phủ sẽ cố gắng để đảm bảo quyền lợi cho họ. Tuy vậy, chính phủ cũng không thể đi sâu tìm hiểu xem gia đình này có hạnh phúc hay không để biết giúp đỡ họ. Vì thế, ông khuyên, trước khi lấy chồng Hàn Quốc, chị em cần tìm hiểu kỹ người bạn đời tương lai của mình cũng như về văn hóa, nếp sống của gia đình, đất nước họ.

Minh Thùy