Người ‘bật đèn xanh’ cho cải cách Myanmar

(TNO) “Chúng tôi không tiến hành cải cách vì đó là mong ước của bản thân. Chúng tôi chỉ đơn giản đáp ứng khát khao được cải cách của nhân dân”, Tổng thống Myanmar, ông Thein Sein trả lời tờ The New York Times năm 2012.

Tong thong Thein Sein trong cuoc bau cu

Buổi sáng chủ nhật 8.11, tại điểm bỏ phiếu đặt trong một trường học ở thủ đô Naypyidaw của Myanmar, Tổng thống Thein Sein (71 tuổi) từ chối trả lời giới truyền thông và lặng lẽ bỏ lá phiếu của mình vào thùng, trong cuộc bầu cử được đánh giá là “lịch sử” tại Myanmar. Thế nhưng, từ rất lâu trước cuộc bầu cử này, ông Thein Sein là nhân vật chính yếu đã “bật đèn xanh” cho những thay đổi của Myanmar.

“Cởi áo lính” thành tổng thống

Tổng thống Thein Sein sinh ngày 20.4.1945, cùng năm sinh với lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi. Không như bà Suu Kyi, con gái của tướng Aung San – người có công lớn trong việc đưa Myanmar từ thuộc địa của Anh trở thành một quốc gia độc lập, Tổng thống Thein Sein tự nhận ông sinh ra trong một gia đình bình thường ở một ngôi làng nhỏ tại đảo Hainggyi, phía tây nam Myanmar, bố mẹ ông đều là nông dân. Trong khi Aung San Suu Kyi sớm theo người mẹ đại sứ đến Ấn Độ, Nepal, sau đó được gửi sang Anh du học, ông Thein Sein lần đầu tiên bước khỏi biên giới Myanmar khi đã ngoài 40 tuổi, trong một chuyến công du đến Singapore và Trung Quốc.

Ông Thein Sein tốt nghiệp học viện quân sự Myanmar vào năm 1968 và thăng tiến nhanh chóng. Những năm 90 của thế kỷ 20, ông trở thành thành viên Hội đồng nhà nước về phát triển và ổn định, tên gọi của chính quyền quân sự lúc đó. Năm 2004, ông trở thành thư ký thứ nhất hội đồng này. Đến năm 2007, ông được bổ nhiệm làm quyền thủ tướng sau khi cựu Thủ tướng Soe Win ngã bệnh, theo đài BBC.

Tong thong Thein Sein bat tay Obama

Vào năm 2010, ông Thein Sein “cởi áo lính”, trở thành chủ tịch đảng Đoàn kết Thống nhất và Phát triển (USDP) vừa thành lập, tiền thân là Hiệp hội Đoàn kết và Phát triển Liên hiệp – tổ chức do chính quyền quân sự thành lập. USDP giành quyền kiểm soát quốc hội sau cuộc bầu cử năm 2011, và ông Thein Sein trở thành tổng thống Myanmar. Dư luận khi đó cho rằng việc bổ nhiệm ông Thein Sein hoàn toàn là sự sắp đặt của chính quyền quân sự, đứng đầu là Thống chế Than Shwe. Dù vậy, việc bổ nhiệm tổng thống cũng đánh dấu bước chuyển giao quyền lực từ giới quân sự sang một chính phủ dân sự.

Cải cách

Di sản ông Thein Sein nhận được từ chính quyền quân sự là một nền kinh tế bị tình trạng tham nhũng và độc quyền “ăn sâu” vào từng lĩnh vực, theo bình luận trên tờ The Irrawaddy (tạp chí của một nhóm người Myanmar lưu vong ở Thái Lan). Điển hình, thế độc quyền của doanh nghiệp viễn thông nhà nước có lúc đẩy giá SIM điện thoại lên tương đương 1.500 USD/SIM. Khi các tập đoàn viễn thông nước ngoài được phép đầu tư vào Myanmar, điện thoại di động trở nên phổ biến hơn bao giờ hết trong khi giá SIM điện thoại ngay lập tức giảm xuống còn… 1,5 USD. Dưới thời ông Thein Sein, các ngành kinh tế chính như viễn thông, nhập khẩu xe hơi, tài chính và chế tạo máy đã được cải tổ.

Bao chi tu nhan hoat dong tai Myanmar

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đầu năm 2015 dự đoán mức tăng trưởng GDP của Myanmar trong năm tài khóa tiếp theo sẽ vào khoảng 8% do “được khuyến khích bởi các cuộc cải cách đang diễn ra, môi trường kinh doanh được cải thiện và sự hội nhập Đông Nam Á”, Phó giám đốc ADB tại Myanmar, ông Peter Brimble nhận xét.
Về mặt chính trị, Tổng thống Thein Sein từng bước hòa giải với những người đối lập, trong đó có bà Aung San Suu Kyi, người được trả tự do năm 2010. Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, ông Thein Sein thừa nhận bản chất “độc đoán” của chính quyền quân sự và chúc mừng bà Suu Kyi vì “vinh dự bà nhận được tại đất nước này, sự công nhận những nỗ lực vì dân chủ của bà”, theo tờ Time (Mỹ). Cuộc bầu cử phụ năm 2012 tại Myanmar để chọn ra hơn 40 ghế còn trống trong quốc hội được đánh giá tương đối công bằng, các nước phương Tây bắt đầu gỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Myanmar. Năm 2013, chính phủ Myanmar cho phép báo chí tư nhân được hoạt động trở lại, lệnh cấm tụ tập trên 5 người được bãi bỏ…

“Tôi và Gorbachev không giống nhau”

“Chúng tôi không tiến hành cải cách vì đó là mong ước của bản thân. Chúng tôi chỉ đơn giản đáp ứng khát khao được cải cách của người dân”, ông Thein Sein trả lời tờ The New York Times năm 2012.

Rất lâu trước khi lên nắm quyền tại Myanmar, ông Thein Sein được đánh giá là một vị tướng “trong sạch”, nhưng im lặng và nhạt nhòa. Sau này, một cựu cố vấn và từng là người viết các bài phát biểu cho Tổng thống Thein Sein đã miêu tả ông là người “không tham vọng, không quyết đoán, không thu hút, nhưng rất ngay thẳng”, theo The New York Times.

Khi được hỏi liệu có e ngại việc bị “cuốn trôi” bởi chính “làn sóng” cải cách mà chính ông tạo ra hay không, tương tự nhà lãnh đạo Mikhail Gorbachev sau sự sụp đổ của Liên Xô, Tổng thống Thein Sein nói ngắn gọn: “Tôi và Gorbachev không giống nhau”.

Song song với đó, Thein Sein cũng nêu rất rõ quan điểm rằng quân đội sẽ luôn nắm giữ vai trò quan trọng đối với đất nước Myanmar. Ông cũng không xin lỗi về những hành động trong quá khứ, như việc bỏ tù các nhà hoạt động và nhà bất đồng chính kiến, theo BBC.

“Họ hành động theo niềm tin của họ và chúng tôi có niềm tin của mình. Tất cả mọi người đều hành động vì đất nước, theo những cách riêng”, ông nói.

Bị cáo buộc vi phạm nhân quyền, hạn chế tự do báo chíMặc cho nhiều ca ngợi từ truyền thông phương Tây, nhiều nhà chỉ trích vẫn không quên “quá khứ” của Tổng thống Thein Sein. Năm 2007, ông Thein Sein là người giữ quyền thủ tướng khi một cuộc nổi dậy của các nhà sư bị đàn áp trong bạo lực.

Năm 2012, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) ra thông cáo cáo buộc giới chức bang Arakan, các lãnh đạo cộng đồng, tu sĩ Phật giáo đã tổ chức, khuyến khích những người Arkan thiểu số, có sự hậu thuẫn của lực lượng an ninh nhà nước, tấn công những người Hồi giáo sống gần đó, buộc những người này phải rời bỏ nhà cửa. HRW cáo buộc chính quyền Myanmar “can dự vào tội ác diệt chủng đối với người Rohingya Hồi giáo và tiếp tục đến ngày nay thông qua việc từ chối trợ giúp và giới hạn đi lại”. Khoảng 1 triệu người Rohingya Hồi giáo không có quyền bỏ phiếu trong cuộc bầu cử vừa qua.

Đầu năm 2014, một số tờ báo tại Myanmar đã in trang nhất màu đen, phản đối việc bắt giam và bỏ tù nhà báo, theo BBC.

Hà Chi

Theo Thanhnien.com.vn

Visited 1 times, 1 visit(s) today


Vinh Danh THIÊN CHÚA trên trời, 
Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương" (Luca 2:14)

God Bless VIETNAM!






Facebook: https://www.facebook.com/tonytran3000

Youtube videos Tony: https://www.youtube.com/c/TonyTran3000


Binh luan

Leave a Reply

Muốn đăng ý kiến hay tìm bạn mới, ghi vào khung dưới. Email: Viết không có dấu, các chữ Đ thì viết thành chữ D(ví dụ tên Đăng Điền, bạn ghi DangDien). Nếu không có email, bạn ghi số điện thoại, cộng thêm @gmail.com (không có khoãn trống, ví dụ: 092518287@gmail.com). Bấm vào Choose File và chọn hình. Sau đó, bấm Đăng Ý Kiến *

Optionally add an image (JPEG only)