Các Điều Cơ Bãn Bạn Nên Biết Về Cuộc Sống Tại Mỹ

Học tiếng Anh

• Có nhiều nơi tổ chức lớp học nói, đọc, và viết tiếng Anh. Nhiều trẻ em và người lớn ghi danh học Tiếng Anh như là Ngôn Ngữ Thứ Hai ESL (English as a Second Language). Những lớp học này giúp những người không biết tiếng Anh học ngôn ngữ này. Những lớp học này còn được gọi là Lớp Tiếng Anh cho Người Nói Thứ Tiếng Khác ESOL (English for Speakers of Other Languages) hoặc những lớp dạy đọc viết tiếng Anh.
• Trẻ em không biết tiếng Anh sẽ học môn này trong trường. Các trường học công lập Mỹ có những chương trình trợ giúp và giảng dạy đặc biệt cho học sinh cần học tiếng Anh. Những học sinh cần sự trợ giúp thêm thường được gọi là học sinh với Khả Năng Tiếng Anh Hạn Chế LEP (Limited English Proficient).
• Học sinh mới bắt đầu học tiếng Anh có thể học lớp ESL thay thế cho lớp Anh Văn chính quy. Học sinh có trình độ tiếng Anh cao hơn có thể được xếp trong những lớp chính quy nhưng được trợ giúp thêm. Một số trường học cũng đưa ra những chương trình sau giờ học và dạy kèm để giúp học sinh học tiếng Anh. Trường học của bé sẽ cho quý vị biết họ có những chương trình trợ giúp nào cho học sinh cần học tiếng Anh.
• Người lớn không hiểu tiếng Anh có thể ghi danh học lớp ESL của những trường công cho người lớn và giáo dục cộng đồng hoặc trường ngôn ngữ tư nhân.
• Các chương trình ở trường công cho người lớn và giáo dục cộng đồng thường được tổ chức trong cộng đồng địa phương bởi các sở học chánh và đại học cộng đồng. Những chương trình này có những khoá học ESL có tình nguyện viên địa phương dạy kèm. Những chương trình này thường miễn phí, hoặc quý vị phải trả một khoản học phí nhỏ. Thời gian học có thể ban ngày hoặc ban đêm.
• Hầu hết những thành phố lớn đều có những trường ngôn ngữ tư nhân có lớp học ESL ban ngày hoặc ban đêm. Học phí của những lớp học này thường được tính dựa trên số giờ giảng dạy. Các lớp học ngôn ngữ ở trường tư thường đắt hơn những lớp học công.
• Một số tổ chức cộng đồng, thư viện, và những nhóm tôn giáo cũng có những lớp học ESL miễn phí hoặc giá rẻ. Hãy tìm hiểu trong thư viện công cộng địa phương, cơ quan dịch vụ xã hội, nhà thờ hoặc chùa. Nhân viên tra cứu của thư viện địa phương cũng có thể cho quý vị biết về những chương trình ESL và giúp quý vị tìm sách, băng video, đĩa CD và phần mềm điện toán để học ESL trong thư viện.

Về Cuộc Sống Tại Mỹ

Về Cuộc Sống Tại Mỹ

Đi lại trong nước Mỹ

Có nhiều cách đi lại trong nước Mỹ. Nhiều thành phố có xe buýt, tầu (cũng gọi là tầu điện ngầm), xe điện bánh hơi hoặc xe điện. Ai cũng có thể đi những loại xe này với một khoản lệ phí nhỏ. Ở một số nơi, quý vị có thể mua thẻ có giá trị đi nhiều lần trên tầu điện ngầm hoặc xe buýt. Quý vị cũng có thể trả riêng cho mỗi lần đi. Taxi (taxicab hay taxi) là loại xe hơi đưa quý vị đi đến nơi mình muốn với một khoản phí. Đi taxi đắt hơn nhiều so với những phương tiện giao thông công cộng khác.

Quyền và trách nhiệm

Là một thường trú nhân, những gì quý vị làm bây giờ có thể ảnh hưởng đến khả năng trở thành công dân Mỹ sau này. Quá trình trở thành một công dân Mỹ được gọi là “nhập quốc tịch”.
Là một thường trú nhân, quý vị có quyền:
• Sống và làm việc vô hạn định ở bất cứ nơi nào trên nước Mỹ.
• Nộp đơn xin nhập quốc tịch Mỹ khi quý vị hội đủ điều kiện.
• Xin thị thực cho chồng hoặc vợ và con cái còn độc thân đến sống ở Hoa Kỳ.
• Xin hưởng tiền An Sinh Xã Hội (Social Security), tiền Phụ Cấp Bệnh Tật SSI (Supplemental Security Income), và tiền trợ cấp chăm sóc Y tế (Medicare), nếu quý vị hội đủ điều kiện.
• Sở hữu bất động sản trên nước Mỹ.
• Xin bằng lái xe trong tiểu bang hoặc trong khu vực quý vị đang sống.
• Xuất nhập cảnh nước Mỹ trong một số điều kiện nhất định.
• Theo học ở những trường phổ thông và trường đại học công lập.
• Gia nhập vào một số binh chủng của Lực Lượng Vũ Trang Hoa Kỳ.
• Mua hoặc sở hữu một khẩu súng, với điều kiện tiểu bang hoặc địa phương của quý vị không có hạn chế nào nói rằng quí vị không được phép.
Là một thường trú nhân, trách nhiệm của quý vị là:
• Tuân thủ toàn bộ luật pháp của liên bang, tiểu bang và địa phương.
• Đóng thuế thu nhập cho liên bang, tiểu bang và địa phương.
• Đăng ký với Sở Quân Vụ (Selective Service, thuộc Lực Lượng Vũ Trang Hoa Kỳ), nếu quý vị là nam giới từ 18 đến 26 tuổi.
• Duy trì tình trạng nhập cư của mình.
• Luôn mang theo giấy tờ chứng minh tình trạng thường trú nhân của quý vị.
• Khi chuyển chỗ ở, phải báo địa chỉ mới trên mạng hoặc gởi thơ báo địa chỉ mới tới Bộ An Ninh
Quốc Nội (Department of Homeland Security hay DHS) trong vòng 10 ngày mỗi lần chuyển chỗ.
Thường trú nhân được phát thẻ Thường Trú Nhân hợp lệ (Permanent Resident Card, dùng Mẫu đơn I-551) để chứng minh cho tình trạng hợp pháp của họ ở nước Mỹ. Có người gọi thẻ này là “Thẻ Xanh”. Nếu quý vị là một thường trú nhân từ 18 tuổi trở lên, quý vị phải mang theo giấy tờ chứng minh tình trạng thường trú nhân của mình. Quý vị phải xuất trình giấy tờ cho nhân viên di trú khi có yêu cầu. Thẻ này có giá trị trong 10 năm và trước khi hết hạn, quý vị phải đổi thẻ mới. Quý vị phải nộp mẫu đơn I-90 để xin thay thế hoặc thay mới Thẻ Thường Trú Nhân của mình.  Quý vị phải trả lệ phí khi nộp mẫu đơn I-90.
Thẻ Thường Trú Nhân của quý vị cho thấy rằng quý vị được phép sinh sống và làm việc ở nước Mỹ. Quý vị cũng có thể sử dụng thẻ Thường Trú Nhân của mình để tái nhập cảnh vào nước Mỹ. Nếu quý vị đi ra ngoài nước Mỹ quá 12 tháng, quý vị cần trình nộp thêm một số giấy tờ để trở lại nước Mỹ với tư cách là một thường trú nhân.
NHỮNG GIẤY TỜ QUAN TRỌNG KHÁC
Hãy cất giữ ở nơi an toàn tất cả những giấy tờ quan trọng mà quý vị đã mang theo từ quốc gia của mình. Những giấy tờ này bao gồm hộ chiếu, giấy khai sinh, giấy hôn thú, giấy ly dị, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc đại học, và những chứng chỉ cho thấy quý vị đã qua những quá trình huấn luyện hoặc có những kỹ năng đặc biệt.

Vì sao nên nhập quốc tịch Hoa Kỳ

Thường trú nhân hưởng phần lớn những quyền của công dân Hoa Kỳ. Tuy nhiên, có nhiều lý do quan trọng để quý vị cân nhắc việc nhập tịch Hoa Kỳ Sau đây là những lý do cơ bản nhất:
• Bỏ phiếu. Chỉ công dân mới được phép bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử liên bang. Hầu hết các tiểu bang cũng hạn chế quyền bầu cử, hầu hết các cuộc bầu cử, chỉ dành cho công dân Hoa Kỳ.
• Làm bồi thẩm viên. Chỉ công dân Hoa Kỳ mới được phép làm bồi thẩm viên liên bang. Hầu hết các tiểu bang cũng hạn chế quyền làm bồi thẩm viên, chỉ dành cho công dân Hoa Kỳ. Nghĩa vụ làm bồi thẩm viên là một trách nhiệm quan trọng cho tất cả các công dân Hoa Kỳ.
• Có hộ chiếu Hoa Kỳ khi đi du lịch. Hộ chiếu Hoa Kỳ cho phép quý vị yêu cầu yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ trợ giúp mình nếu cần thiết khi đang ở nước ngoài.
• Đem người thân trong gia đình sang Hoa Kỳ. Thường thì chính phủ Hoa Kỳ sẽ ưu tiên hơn cho những công dân Mỹ nộp đơn xin phép cho người thân trong gia đình sang định cư tại Hoa Kỳ.
• Nhập tịch Hoa Kỳ cho con cái sanh ở ngước ngoài. Trong phần lớn các trường hợp, những đứa
con được sanh ở nước ngoài của công dân Hoa Kỳ được tự động hưởng tư cách công dân Hoa Kỳ.
• Hội đủ điều kiện làm việc cho chính phủ liên bang. Một số việc làm trong các cơ quan chính phủ đòi hỏi phải có quốc tịch Hoa Kỳ.
• Tranh cử các chức vụ dân cử. Chỉ công dân Hoa Kỳ mới được tranh cử chức vụ liên bang
(Thượng Viện hoặc Hạ Viện Hoa Kỳ) và hầu hết các chức vụ trong chính quyền tiểu bang và
địa phương.
• Quyền thường trú vĩnh viễn. Quyền thường trú của công dân Hoa Kỳ không thể bị tước đoạt.
• Hội đủ điều kiện hưởng tiền trợ cấp và học bổng của chính phủ liên bang. Nhiều khoản tiền trợ cấp sinh viên, bao gồm các khoản học bổng và tiền tài trợ của chính phủ cho những mục đích đặc biệt, chỉ dành riêng cho công dân Hoa Kỳ.
• Hội đủ điều kiện xin trợ cấp chính phủ. Một số khoản trợ cấp của chính phủ được dành riêng cho công dân Hoa Kỳ.

Bảo Đảm An Toàn cho nơi ở và Gia Đình

Hãy chuẩn bị trước để đề phòng trường hợp khẩn cấp xảy ra. Dưới đây là một số việc quý vị có thể làm để bảo đảm an toàn:
• Kiểm tra để biết chắc rằng cửa ra vào có ổ khóa tốt và luôn luôn khóa cửa. Không đưa chìa khóa cửa cho người lạ. Hãy cẩn thận khi mở cửa cho người lạ. Hỏi xem họ là ai và muốn gì trước khi quý vị mở cửa.
• Chuông báo khói kêu lớn khi có khói trong nhà hoặc trong căn hộ của quý vị. Kiểm tra để biết chắc quý vị có chuông báo khói gắn trên trần nhà gần các phòng ngủ và trên mỗi tầng nhà. Thay pin trong chuông báo khói một năm hai lần. Kiểm tra chuông mỗi tháng một lần để biết chắc rằng nó vẫn hoạt động tốt.
• Tìm hiều xem các nhà thương, đồn cảnh sát và trạm cứu hỏa gần nhất ở đâu. Để những số điện thoại quan trọng (cảnh sát, cứu hỏa, và bác sĩ) ở gần máy điện thoại, nơi quý vị có thể tìm một cách dễ dàng.
• Tìm những van chính của hệ thống khí đốt, nước và hộp ngắt điện trong nhà quý vị. Kiểm tra để biết quý vị biết cách khóa van lại bằng tay.
• Hãy chuẩn bị một bộ dụng cụ phòng thảm họa, bao gồm đèn pin, radio xách tay, pin dự phòng, mền, túi cứu thương, và đủ thức ăn đóng hộp và nước chai để sử dụng trong ba ngày. Cũng kèm theo túi đựng rác, giấy vệ sinh, và thức ăn cho thú nuôi nếu cần. Hãy cất những thứ này ở một nơi dễ tìm.
• Thực hành với gia đình quý vị cách để thoát ra khỏi nhà trong trường hợp hỏa hoạn hoặc những trường hợp khẩn cấp khác. Nhớ cho con quý vị biết tiếng chuông báo khói kêu như thế nào và phải làm gì nếu nghe thấy tiếng đó. Hãy ấn định trước những địa điểm để gia đình gặp nhau trong trường hợp quý vị không có ở nhà. Chọn một nơi ngay bên ngoài nhà, và một nơi khác bên ngoài khu phố đề phòng những trường hợp quý vị không thể trở về nhà. Hãy nói trước cho một người bạn hoặc thành viên
trong gia đình đang sống ở vùng khác rằng mỗi người trong gia đình sẽ gọi điện thoại cho họ trong trường hợp bị lạc. Kiểm tra để biết chắc rằng mọi người đều biết làm thế nào để gọi, và có số điện thoại của người này.
• Hãy hỏi trường học của con cái mình để biết về kế hoạch đối phó của trường trong trường hợp khẩn cấp. Kiểm tra để biết chắc con quý vị biết phải làm gì. Nhớ hỏi xem quý vị có thể đến đón con ở đâu trong trường hợp khẩn cấp

Duy trì tình trạng thường trú nhân

Có một số điều quý vị phải làm để duy trì tình trạng thường trú nhân của mình. Đó cũng là những điều quan trọng nên nhớ nếu quý vị dự định xin nhập quốc tịch Mỹ trong tương lai:
• Đừng rời nước Mỹ một thời gian dài hoặc tới sống vĩnh viễn ở một nước khác.
• Phải khai thuế thu nhập liên bang, tiểu bang, và, nếu áp dụng, địa phương.
• Phải đăng ký với Sở Quân Vụ (Selective Service), nếu quý vị là nam giới từ 18 đến 26 tuổi.
• Phải thông báo cho DHS biết địa chỉ mới của quý vị.

Duy Trì Tình Trạng Nhập Cư Của Quý Vị
Những thường trú nhân rời Hoa Kỳ một thời gian dài hoặc không thể chứng minh được ý định sống lâu dài ở quốc gia này, có thể mất tình trạng thường trú của mình. Nhiều thường trú nhân cho rằng họ có thể sống ở nước ngoài miễn là họ trở về Hoa Kỳ ít nhất mỗi năm một lần. Điều này không đúng. Nếu quý vị dự định đi ra ngoài Hoa Kỳ hơn 12 tháng, quý vị nên xin một giấy phép tái nhập cảnh (re-entry permit) trước khi ra đi. Quý vị phải nộp mẫu đơn I-131, Đơn Xin Giấy Phép Du Lịch (Application for a Travel Document). Quý vị phải trả lệ phí khi nộp mẫu đơn I-131.
Giấy phép tái nhập cảnh có giá trị tối đa hai năm. Quý vị có thể xuất trình giấy phép tái nhập cảnh, thay cho hộ chiếu hoặc Thẻ Thường Trú Nhân, tại cảng nhập cảnh. Có giấy phép tái nhập cảnh vẫn không bảo đảm là quý vị sẽ được nhập cảnh khi trở về Hoa Kỳ, nhưng giấy phép này có thể dễ dàng chứng minh rằng quý vị trở về từ một chuyến du lịch tạm thời.

Mua nhà

Việc sở hữu nhà là một trong những “ước mơ của Người Mỹ”. Việc sở hữu một căn nhà mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng là một trách nhiệm lớn.
Nhân viên địa ốc có thể giúp quý vị tìm mua một căn nhà. Hãy hỏi bạn bè, đồng sự hoặc gọi tới đại lý địa ốc tại địa phương để tìm một nhân viên địa ốc. Nên tìm một nhân viên biết về khu vực quý vị muốn mua nhà. Quý vị có thể xem phần “Nhà Bán” (Homes for Sale) ở báo “Rao Vặt” (Classifieds). Quý vị cũng có thể tìm bảng hiệu “Bán Nhà” (For Sale) trong những khu nhà quý vị thích.
Hầu hết người ta cần vay tiền để mua nhà; hình thức vay này được gọi là “nợ thế chấp” (mortgage). Quý vị có thể vay thế chấp tại một ngân hàng địa phương hoặc tại một công ty cho vay thế chấp. “Vay thế chấp” có nghĩa là quý vị được cho vay tiền với lãi suất nhất định trong một thời hạn nhất định.
Số tiền lãi quý vị trả trên khoản vay thế chấp có thể được khấu trừ từ thuế thu nhập liên bang của quý vị.
Quý vị cũng cần mua bảo hiểm nhà để giúp trả cho những thiệt hại có thể xảy ra sau này. Bảo hiểm thường bao trả những thiệt hại gây ra bởi thời tiết xấu, hỏa hoạn, hoặc trộm cướp. Quý vị cũng cần trả thuế bất động sản căn cứ vào giá trị của căn nhà.
Nhân viên địa ốc hoặc luật sư chuyên về địa ốc có thể giúp quý vị tìm nơi vay tiền thế chấp và mua bảo hiểm. Họ cũng có thể giúp quý vị điền vào các mẫu đơn để mua nhà. Thông thường, thì nhân viên địa ốc không thu phí khi giúp quý vị mua nhà. Nhưng quý vị có thể phải trả lệ phí điền đơn cho luật sư chuyên về địa ốc. Quý vị cũng sẽ phải trả lệ phí cho việc vay tiền nợ thế chấp và nộp những mẫu đơn pháp lý cho tiểu bang. Các lệ phí này được gọi là “các chi phí hoàn tất hợp đồng sang nhượng bất động sản” (closing costs). Nhân viên địa ốc hoặc nhà cho vay phải nói cho quý vị biết các khoản lệ phí này là bao nhiêu trước khi quý vị ký vào các mẫu đơn cuối cùng để sang nhượng nhà.

Source: usis.us

Visited 2 times, 1 visit(s) today


Vinh Danh THIÊN CHÚA trên trời, 
Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương" (Luca 2:14)

God Bless VIETNAM!






Facebook: https://www.facebook.com/tonytran3000

Youtube videos Tony: https://www.youtube.com/c/TonyTran3000


Binh luan

Leave a Reply to hong nhung Cancel reply

Muốn đăng ý kiến hay tìm bạn mới, ghi vào khung dưới. Email: Viết không có dấu, các chữ Đ thì viết thành chữ D(ví dụ tên Đăng Điền, bạn ghi DangDien). Nếu không có email, bạn ghi số điện thoại, cộng thêm @gmail.com (không có khoãn trống, ví dụ: 092518287@gmail.com). Bấm vào Choose File và chọn hình. Sau đó, bấm Đăng Ý Kiến *

Optionally add an image (JPEG only)

  1. I suggest that you go to school and get a degree. You can’t get a good job without a degree in IT, Accounting or Finance. Education is the first priority.

Leave a Reply to hong nhung Cancel reply

Muốn đăng ý kiến hay tìm bạn mới, ghi vào khung dưới. Email: Viết không có dấu, các chữ Đ thì viết thành chữ D(ví dụ tên Đăng Điền, bạn ghi DangDien). Nếu không có email, bạn ghi số điện thoại, cộng thêm @gmail.com (không có khoãn trống, ví dụ: 092518287@gmail.com). Bấm vào Choose File và chọn hình. Sau đó, bấm Đăng Ý Kiến *

Optionally add an image (JPEG only)