Archive | April 2013

Chuyện tình online kì diệu với chàng Việt kiều

Cách xa nhau nửa vòng trái đất, nhưng đôi bạn Trang – Hưng quen nhau thật tình cờ đến mức nếu nói ra nhiều người sẽ không tin nổi. Tình yêu của họ gắn liền qua phone, tin nhắn, email…

7 ngày vừa quen vừa nhận lời yêu qua chatTrang và Hưng quen nhau thật tình cờ, tình cờ đến mức nếu nói ra chắc chắn nhiều người sẽ không tin nổi. Năm đó, Trang 18 tuổi và đang là sinh viên năm thứ nhất. Vào dịp nghỉ hè, chẳng có việc gì làm nên cô thường online chat  nói chuyện tùm lum với mấy người bạn học cùng lớp.

Một ngày nọ ngồi chát chán, Trang bấm linh tinh dạo quanh mấy trang web một cách không định hướng. Chả biết cô đã bấm linh tinh thế nào mà lại vào cái trang web kết bạn của người Việt trên toàn thế giới. Cái tính tò mò trỗi dậy, cộng với sự nhàn dỗi lúc đó, cô cũng vào xem thử rồi thấy vui vui nên cũng bắt chước mọi người đăng kí upload hình của cô lên trên đó. “Lúc ấy, thật ra em cũng chỉ có ý đưa ảnh lên vậy thôi chứ cũng không có ý muốn kết bạn vì bản thân em cũng nghĩ kết bạn trên mạng ‘ảo lắm’. Vì thế đăng ký xong thì em cũng quên bẵng ngay sau đó mà tiếp tục tám chuyện với lũ bạn” – Trang nhớ lại những ngày đầu.
Vài ngày sau, hôm đó là ngày nào cô cũng không nhớ nữa. Chỉ nhớ rằng người bạn thân của cô nhắn tin rủ online để nói chuyện. Cô đã bật yahoo lên và các thanh công cụ có trên máy tính cũng tự động mở luôn cái trang web kết bạn đó lên. Cô thấy có rất nhiều người gửi thư làm quen cho cô. Nào là những anh bạn từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… “Em khoái trá và nghĩ chắc mình cũng xinh xắn dễ thương nhưng em lại cũng quên bẵng mấy lời làm quen đó vì bận chát với cô bạn. Nhưng nhiều cửa sổ chát cứ buzz liên tục khiến em bị  rối mắt lên. Máy tính gần như muốn “chết cứng” mất. Lúc này em nhấn đóng các cửa sổ không thương tiếc. Nhưng không hiểu tại sao em lại chừa lại một cửa sổ trên màn hình mặc dù  nó chẳng có gì đặc biệt”.
Cho đến bây giờ, những dòng chát nói chuyện làm quen ngày đầu tiên của hai người, Trang vẫn lưu giữ đến tận bây giờ.”Hung Do: Chao em
Trang Nguyen: Chao anh
Hung Do: Em ten gi?
Trang Nguyen: Em ten Trang
Hung Do: Em la model ah?”
Trang Nguyen: Da khong, em la sinh vien. Sao anh hoi vay?
Hung Do: Tai anh thay em chup hinh giong model”.

Khi đọc những dòng chát làm quen đầu tiên này, cô sinh viên tinh nghịch đấy đã phá lên cười vì có người lầm tưởng cô là model cơ đấy. Tuy nhiên, cô cũng thấy mình tự tin hẳn ra. Kết thúc buổi nói chuyện hôm đó, Hưng đã xin nick yahoo của cô để tiện nói chuyện. “Bình thường em rất ít cho ai yahoo hay số phone của em lắm, nhưng có lẽ vì anh nói chuyện duyên quá nên em cũng không nề hà chuyện đó” – Trang nói.

Những ngày sau đó, đôi bạn trẻ này thường nói chuyện với nhau như 2 người bạn lâu ngày gặp lại. Họ nói với nhau hết chuyện này đến chuyện khác. Qua những cuộc nói chuyện xuyên lục địa, cả hai người còn phát hiện ra họ đều cùng có chung 1 sở thích là đam mê âm nhạc nữa. “Lần đầu tiên nói chuyện với em, anh ấy đã hát cho em nghe 1 bài hát tiếng Anh với giọng trầm ấm, ngọt ngào làm em ngẩn người đến vài phút. Và cứ như thế chúng em trò chuyện với nhau hàng ngày. Anh kể cho em nghe những điều về nơi anh đang sống và em kể anh nghe về Việt Nam – quê hương của chúng em”.7 ngày sau khi đôi bạn chát với nhau, Hưng đã ngỏ lời yêu Trang. “Em không biết 7 ngày có quá nhanh không khi chấp nhận 1 lời yêu. Nhưng 7 ngày đó là 7 ngày em bị anh ‘dụ dỗ dưới mọi hình thức’. Và em đã có cảm giác nhớ anh lúc nào không hay…”.

Lần đầu gặp nhau đầy bất ngờ và hạnh phúcSau khi nhận lời yêu Hưng, Hưng thông báo với Trang là 1 tháng nữa anh sẽ về Việt Nam. Mặc dù lúc ấy đã là bạn gái của Hưng nhưng cô vẫn thấy có gì quá gấp gáp. “Trong thâm tâm em đã nghĩ, ít nhất một vài tháng thì hai đứa mới gặp nhau chứ. Thấy anh có vẻ đốt cháy giai đoạn như vậy nên em lại có suy nghĩ rằng, có bao giờ em bị anh lừa để bán em sang nước ngoài không nhỉ? Đến bây giờ ngồi nhớ lại em vẫn cảm thấy buồn cười về cái ý nghĩ ấy” – Trang cười nói.

Rồi cái ngày Hưng về Việt Nam cũng đến. Biết tin Hưng về, Trang vừa muốn gặp anh nhưng cũng vừa sợ bị anh lừa lọc. “Lúc đó em cũng còn ‘chảnh’ lắm nên không ra sân bay đón anh vì lý do bận học. Em bảo anh, anh muốn gặp em thì anh về Cần Thơ nhé vì em bận học lắm. Em cũng không có thời gian để đi chơi với anh đâu”.

Cho dù cô nói nửa đùa nửa thật như vậy nhưng không ngờ Hưng vừa về tới Việt Nam là đi thẳng về Cần Thơ gặp cô ngay. “Chiếc xe hơi màu trắng đậu trước cổng trường em. Nhận ra em, anh bước xuống xe và ôm lấy em. Lúc ấy, em còn chưa kịp định thần lại chuyện gì đang xảy ra thì anh nắm tay em kéo lên xe. Anh đi cùng 2 người em của anh nên em cũng cảm thấy yên tâm hơn vì em nghĩ có họ anh không dám làm chuyện gì bất lợi cho em. Ngồi trên xe, anh nắm lấy tay em làm tim em đập loạn xạ, mồ hôi ướt cả lòng bàn tay. Nhưng sau cái giây phút đó, em trấn tĩnh lại và em cảm nhận được tình yêu từ tay anh nắm lấy bàn tay em. Nhìn ánh mắt anh nhìn em, em nhủ thầm đây là người em yêu đây mà…”.
Những ngày sau đó, mỗi khi ở bên Hưng, Trang đều cảm thấy thật hạnh phúc. Hưng lúc nào cũng chu đáo, ân cần và ngọt ngào với cô. Dù ở đâu, Hưng cũng luôn nắm lấy tay cô và cho mọi người biết rằng, người đi bên cạnh anh là người con gái anh yêu nhất.Rồi ngày Hưng cũng phải rời Việt Nam. Hôm tiễn Hưng đi, Trang đã khóc nhiều lắm. Và đôi bạn này lại tiếp tục yêu nhau xa khi mỗi người ở cách nhau nửa vòng trái đất.

Những lần chàng Việt kiều về nước và lời cầu hôn cùng đám cưới ngọt ngào

Từ ngày Hưng đi, ngày nào họ cũng trò chuyện cùng nhau qua phone, tin nhắn, rồi email. Và có vẻ như mọi thứ không bao giờ là đủ. “Dù xa anh, nhưng em luôn cảm nhận được tình yêu anh dành cho qua những cuộc điện thoại dài 4-5 tiếng đồng hồ, qua những tin nhắn mỗi khi anh đi làm không nói chuyện với em được”.

Rồi cũng đến lần thứ 2 Hưng về nước, nhưng lần gặp này, đôi bạn như đã hiểu nhau nhiều hơn. Và “Anh đã cầu hôn em. Em đã hạnh phúc biết bao khi anh đeo chiếc nhẫn nhỏ xinh vào tay em và nói: ‘Bây giờ em là vợ anh rồi nhé!’”.Lần thứ 3 Hưng về nước, đôi bạn trẻ này đã tổ chức lễ cưới. Trong lễ cưới mong đợi, họ cùng sánh bước bên nhau trong sự chúc mừng của 2 họ và trong tiếng vỗ tay của bạn bè. Họ cùng hát với nhau bài “Qua đêm nay” như 1 lời thề ước sẽ bên nhau mãi mãi…

Hiện, đôi bạn trẻ này mới chỉ bước vào cuộc sống vợ chồng được gần 2 tháng. Cuộc sống của họ vẫn đầy mật ngọt của hạnh phúc nhưng cũng có những lúc họ cũng cãi vã và bất đồng quan điểm. Tuy vậy 2 vợ chồng họ luôn biết cách nhường nhịn và biết nói lời xin lỗi nhau đúng lúc. Với riêng Trang: “Bây giờ em đang rất hạnh phúc vì em biết đã tìm được anh – người chồng luôn yêu thương, lo lắng, chăm sóc và luôn cho em cảm giác được bảo vệ che chở”.
Source: Afamily

Trẻ con ở Mỹ sướng hay khổ?

Đón chào tháng 6 bước đến, tôi muốn cảm ơn cái thời tiết dịu dàng vào buổi sáng sớm của mùa xuân, khi lái xe  đi dưới những vòm cây đang nở đầy hoa jacaranda – phương tím , hay bước ra căn vườn nhỏ đằng sau nhà và tìm thấy một vài hoa Iris màu tím, nở ra một cách e lệ bên cạnh những cụm hoa cúc vàng còn đọng một ít sương mai.

Tối hôm qua, tôi nhận được email của cô bạn đang làm một tờ báo thiếu nhi ở Việt Nam, hỏi về đời sống của trẻ em Việt Nam ở Mỹ. Và nhờ thế, tôi có đề tài viết thư cho bạn tuần này.

Bạn biết rồi, cái đề tài “Đời sống của trẻ con ở Mỹ” này thật là rộng lớn và tôi sẽ xin phép chỉ viết một cách chung chung mà thôi.

Phần lớn mọi người đều cho rằng trẻ con ở Mỹ sướng hơn trẻ con ở bất cứ một dân tộc nào trên thế giới bởi vì chúng sống trong một quốc gia giàu mạnh, tiến bộ cho nên chúng có tất cả mọi thứ mà trẻ con ở những nước khác ao ước.

Nếu nói về vật chất thì từ những gia đình giàu có cho đến những gia đình có lợi tức thấp hay còn hưởng trợ cấp xã hội đi nữa, con nít cũng có được đầy đủ áo quần dùng quanh năm, chứ chưa thấy đứa trẻ nào chỉ mặc quần hay áo sờn cũ , rách rưới như ở các quốc gia nghèo mà Việt Nam là một trong số đó.

Chỉ bàn rông ra về khâu áo quần không thôi chúng ta đã thấy trẻ con ở Mỹ quá sung sướng. Những gia đình có lợi tức cao, giàu có như con bác sĩ, kỹ sư… thì  con cái họ dĩ nhiên phải mua đồ từ những cửa hàng sang trọng, có nhãn hiệu danh tiếng tương đượng với áo quần mà cha mẹ tụi nó dùng.

Các hãng sản xuất áo quần cho con nít dĩ nhiên nhắm vào người tiêu thụ là cha mẹ, chứ con nít biết gì mà “đồ hiệu” hay không. ( Tuy nhiên, tôi cho rằng nếu được tập cho thói quen xài “brandnames” từ nhỏ, khi đến tuổi vị thành niên thì đừng hòng mà cô con gái vị thành niên chịu mặc áo quần ở cửa hàng không phải là từ J.Crew hay Banana Republic trở lên …).

Riêng nhóm người còn lại là nhóm từ trung lưu đến nghèo, lợi tức thấp thì cha mẹ có thể tìm mua áo quần cho con cái ở những  cửa hàng bán hàng hạ giá, gọi là outlets như Ross, TJ Maxx hay Marshall. Nơi đây chúng ta vẫn có thể tìm những đồ hiệu nhưng chỉ còn lại nửa giá, hay đôi khi 1/3 giá ở tiệm lớn.

Phải công nhận một điều là cho dù tôi với bạn không có con nhỏ nữa, thế mà khi bước chân vào hàng áo quần dành cho trẻ con từ 3, 4 tuổi trở xuống thì chúng ta cũng cứ mê man như thường vì chúng quá ư dễ thương và ngộ nghĩnh bạn nhỉ.

Bây giờ nói đến đồ chơi của trẻ con ở Mỹ thì tôi chỉ còn biết la lên là “không tưởng tượng nỗi” bởi vì chúng hàng hà sa số, không cách gì biết đâu là đâu nữa. Thí dụ như vì đang sống trong thời đại điện tử nên đồ chơi bằng điện tử mà trong đó máy bắn games dẫn đầu với hàng trăm trò chơi khác nhau .

Dĩ nhiên, chúng ta không bao giờ nên so sánh sinh hoạt của Mỹ với Việt Nam. Thế nhưng tôi đọc báo thấy bây giờ ở Viết Nam, đồ chơi dành cho con nít sản xuất từ Trung quốc- Made in China -hiện đang bày bán  tràn ngập và trong đó những lọai đồ chơi mang tính cách bạo lực như dao kiếm, súng ống và nhất là những lọai games điện tử dành cho người lớn, mà cứ việc bán cho con nít xài, không hề được kiểm sóat và cấm đóan.

Trong khi đó ở Mỹ, ít ra trẻ con cũng được bảo vệ sự an toàn khi các nhà nghiện cứu thị trường cung cấp cho trẻ con những đồ chơi phù hợp với từng hạng tuổi. Có những thứ đồ chơi nguy hiểm và bị cha mẹ chống đối, là các cơ quan bảo vệ sự an tòan cho con nít kêu gọi tẩy chay hay thu hồi ngay. (Dĩ nhiên, ở Mỹ cũng không thiếu gì những bậc cha mẹ cứ mua bất cứ cái đồ chơi nào mà con vòi vĩnh, bất kể an tòan hay không, mà trong số đó là những games điện tử đầy hình ảnh bạo lực và lời nói thô tục)

Nếu cha mẹ chú tâm vào việc giúp trẻ con phát triễn tòan diện về cả mặt tinh thần lẫn thể chất qua viêc dạy dỗ, cho ăn uống đầy đủ, thì ngay từ tấm bé việc chọn đồ chơi cho con đã cần phải để ý kỹ lưỡng rồi.

Thật vậy, trẻ con ở Mỹ may mắn vì các nhà thương mại cũng phối hợp với các nhà giáo dục để sản xuất những loại đồ chơi nhắm vào việc “học mà chơi, chơi mà học” dành cho đủ mọi loại tuổi. Thí dụ như trẻ con có thể học làm tóan, học vẽ, học làm thủ công khi sử dụng một trò chơi nào đó.

Cứ đến một buổi tiệc sinh nhật của trẻ con hay dịp lễ Giáng sinh, bạn mới thấy con nít ở đây sung sướng vì chúng được tặng cho đủ thứ lọai đồ chơi.

Những đứa con nhà gìau thì đồ chơi chất đống trong phòng riêng của nó, trong đó có nhiều thứ đứa trẻ chưa bao giờ đụng tới. Cho nên, đây cũng là dịp cho những gia đình có lợi tức thấp mua được cho con họ những đồ chơi mới tinh với giá 1, 2 dồng bạc từ những cái garare sale của con nhà giàu.

Trẻ con ở Mỹ cũng được đi giải trí bên ngòai ở những khu giải trí lành mạnh như Disneyland, Knott Berry Farm, Sea World… Bảo tàng viện cũng dầy dẫy ở mỗi thành phố lớn để trẻ con có dịp đi tham khảo, tìm hiểu.

Nếu muốn học hỏi thì mỗi trường học hay thành phố đều có một thư viện. Còn không thì nhà ai mà chẳng có computer để trẻ con tìm tài liệu trên hệ thống internet.

Bây giờ cô giáo, học trò và cha mẹ có thể liên lạc với nhau qua hệ thống e mail. Phụ huynh có thể kiểm sóat xem bài tập ở trường gồm những gì, ngay tại sở làm hay ở nhà vào buổi tối, bằng cách mở website của cô hay thầy giáo dạy môn đó và biết được bài tập con phải hòan tất để nhắc nhở con.

Bên việc đi học chữ là một điều bắt buộc ở Mỹ khi đứa trẻ bước vào tuổi mẫu giáo (5 tuổi), trẻ con ở Mỹ còn có dịp tham gia vào những sinh hoạt làm thăng hoa đời sống tinh thần như học nhạc, học vẽ, tham gia sinh hao5t thể dục như tennis, bóng rổ, bơi lội.

Bây giờ có thể nói trong cộng đồng Việt Nam  có đến 80% phụ huynh trong thế hệ thứ hai cho con học đàn piano, violin, học đánh trống, thổi kèn…Rồi có những đứa trẻ còn được học vũ ballet, học võ thuật, học vẽ…

Tôi hy vọng là mình đã điểm qua được hầu hết những điều được cho là quá may mắn mà trẻ con ở Mỹ được hưởng. Thế nhưng những đứa trẻ này có “thật sự” vui vẻ, sung sướng không thì chúng ta còn phải xét lại.

Trong lá thư này tôi chỉ muốn trình bày với bạn một vài ghi nhận rất chủ quan của tôi, dựa trên những gì đọc được qua sách báo hay từ công việc huấn luyện người giữ trẻ trước đây, bằng sự quan sát những người chung quanh và ngay từ kinh nghiệm rất riêng tư của chính mình về đời sống vì cũng đã từng có những đứa con nhỏ ở Mỹ.

Đồng ý là đứa trẻ ở Mỹ sung sướng hơn nhiều trẻ con trên thế giới về mặt vật chất thật nhưng chúng vẫn thiếu thốn sự quan tâm, thì giờ và tình yêu thương từ cha mẹ.

Càng ngày, càng có nhiều phụ nữ đi ra ngòai làm việc hơn nên ngay từ khi còn rất nhỏ , khỏang một,  hai tháng tuổi, nhiều đứa trẻ đã phải trải qua phần lớn thời gian trong một ngày của chúng ở nhà giữ trẻ với những người xa lạ.

Mà đâu phải người giữ trẻ nào cũng yêu thương con nít và săn sóc trìu mến như người mẹ đối với chúng.Đã có những việc trẻ con bi hành hạ, bi lạm dụng tại các nhà giữ trẻ được tìm thấy hay được báo cáo.

Với chương trình học khá nặng nề từ khi còn ở bậc tiểu học và những kỳ vọng của cha mẹ, đặc biệt là phụ huynh Việt Nam, về việc con phải đạt được các điểm số cao ở trường làm cho các đứa trẻ thường hay bị căng thẳng.

Bên cạnh đó, có rất nhiều phụ huynh nghĩ con mình phải là “thần đồng”, hay phải hơn con người khác, nên muốn con là một người văn võ song tòan: hết học đàn thì đến học võ bên cạnh học chữ. Chúng phải thực tập suốt ngày đêm, nếu bê trễ thì bị cha mẹ la mắng không tiếc lời.

Một số phụ huynh muốn con họ làm việc gì cũng phải đứng thứ nhất,  bên cạnh việc học ở trường, mà không hề quan tâm đến sức khỏe hay việc tinh thần chúng có thể bị sa sút vì cố gắng quá sức, hay vì sợ cha mẹ thất vọng .

Khi có dịp tiếp xúc với một vài phụ huynh, tỏ vẻ hãnh diện và khoe việc con mình tham gia nhiều sinh hoạt như kể trên, tôi thật tình tội nghiệp cho con của họ.

Có thể có một số ít đứa trẻ thực hiện được tất cả mọi sinh hoạt này một cách tốt đẹp, nhưng không phải ai cũng có thể làm được cả vì mỗi người trời sinh cho giỏi một hai môn, chứ không thể cái gì cũng giỏi hết!

Hơn ai hết, phụ huynh cần hiểu rõ giới hạn và khả năng của con mình chứ đừng bắt chúng thực hiện tất cả những điều mình từng mơ ước nhưng đã không có được khi còn nhỏ.

Tôi hiểu rằng ai làm cha mẹ thì cũng mong cho con những điều tốt đẹp và thấy nếu mình có trong tay những cơ hội thì phải sử dụng cho bằng hết. Cũng như nhiều  phụ huynh khác, tôi đã từng bảo các con tôi là: “may mà sống ở Mỹ nên chúng mới có cơ hội và điều kiện như thế, tại sao không cố gắng hơn nữa”. Nhưng bây giờ tôi thấy mình đã quan niệm rất sai vì tôi đã làm khổ con mình mà không biết.

Bởi vì,  trên hết mọi điều, chúng ta đã đem đến cho những đứa con của chúng ta một đời sống bận rộn, đến nỗi chúng không có dịp nhận được tình yêu thương cụ thể như vòng tay ôm, lời nói dịu dàng của cha mẹ mà tòan là lời nói buồn phiền hay giận dữ mà thôi, khi thấy chúng bê trễ trong quá nhiều sinh hoạt.

Tội nghiệp thay cho các đứa trẻ vì cha mẹ chúng quên rằng cái thân thể nhận chịu bao đòi hỏi của người lớn vẫn còn nhỏ bé và tinh thần vẫn còn non nớt lắm.

Cuối cùng, tôi phải nói với cô bạn là: “đừng tưởng là trẻ con ở Mỹ sung sướng, chúng cũng có cái khổ riêng đấy chứ”.

Tôi hy vọng bạn sẽ cùng tôi nhìn ra được nhưng khó khăn của trẻ con để chúng được thực sư sung sướng hơn.

Hẹn bạn thư sau nhé. (Y.T)

Nguồn: tuanbaosongonline